Quy hoạch đô thị sông Hồng: Kiểm soát quỹ đất và lắng nghe ý kiến của nhiều bên
Kiểm soát chặt quỹ đất ngoài bãi sông
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) mới đây đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Đáng chú ý, trong đó có một số ý kiến nổi bật.
Đối với 3 khu vực bãi sông (Tàm Xá – Xuân Canh, Thượng Cát – Liên Mạc, Chu Phan – Tráng Việt), Bộ NN&PTNT cho biết, hồ sơ quy hoạch Bộ nhận được không có các thông số cụ thể về diện tích quy hoạch xây dựng tại các khu vực bãi sông nêu trên.
Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, với bãi Tàm Xá – Xuân Canh, tổng diện tích đất xây dựng vượt quá đất được xây dựng và chưa quy hoạch xây dựng về phía tuyến đê hiện tại theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Đối với bãi Thượng Cát – Liên Mạc, Chu Phan – Tráng Việt, tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng. Nhưng một số diện tích đất quy hoạch xây dựng nằm ngoài phạm vi phần bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng theo Quy hoạch 257 là không phù hợp.
Bởi vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội rà soát cụ thể để thực hiện phù hợp với Quy hoạch 257/QĐTTg, trong đó lưu ý, bãi Tàm Xá – Xuân Canh được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng không được vượt quá 61,2ha (15% x 408ha).
Diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng (đối với các bãi sông còn lại) bằng 5% phần diện tích bãi quy định tại Phụ lục V Quy hoạch 257/QĐ-TTg. Cụ thể, bãi Thượng Cát – Liên Mạc diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 3,45ha (5% x 69ha). Bãi Chu Phan – Tráng Việt, diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 18ha (5% x 360ha).
Đối với 3 khu vực bãi sông Hoàng Mai – Thanh Trì, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức, qua đánh giá sơ bộ cho thấy diện tích quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng. Bộ NN&PTNT đề nghị rà soát thực hiện việc xây dựng 3 bãi sông trên không quá 5% diện tích theo Quy hoạch 257.
Trường hợp có xây dựng công trình tại các khu vực nêu trên như bản đồ Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất: Qua đánh giá sơ bộ cho thấy diện tích quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng và một số phần đất quy hoạch xây dựng nằm ngoài phạm vi phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có ở bãi sông, Bộ NN&PTNT cho rằng, theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg, các khu vực dân cư tập trung hiện có ở bãi sông tại Phụ lục III được tồn tại, bảo vệ; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.
Tuy nhiên, tại bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, có quy hoạch đất xây dựng với diện tích đất xây dựng 5 vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có là không phù hợp. Vì vậy, đề nghị rà soát thực hiện theo đúng Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Giữ lại khu vực dân cư Kim Lan – Văn Đức
Đối với đề nghị không di dời 2 khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề (quận Long Biên), Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội thực hiện theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg. Sở dĩ vậy vì Quy hoạch 257/QĐ-TTg đã xác định các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề nằm sát bờ sông và thuộc khu vực lòng sông co hẹp, dễ bị sạt lở, gây mất an toàn khi có lũ.
Đối với khu dân cư Kim Lan – Văn Đức hiện có ở bãi sông, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của TP. về việc giữ lại khu dân cư này. Nguyên nhân vì đây là khu dân cư đã được xác định trong danh mục các khu vực dân cư tập trung hiện có tại Phụ lục III của Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Đối với đề nghị của Hà Nội về việc bổ sung danh mục các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình chưa có trong Phụ lục III Quy hoạch 257/QĐ-TTg, Bộ NN&PTNT đồng tình và cho rằng nội dung này là cần thiết và phù hợp. Đồng thời đề nghị TP. rà soát, tính toán đảm bảo tiêu chuẩn phòng, chống lũ được quy định tại Quy hoạch 257/QĐ-TTg. Từ đó bổ sung vào danh mục các khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ trong quá trình lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Kiểm soát chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều
Liên quan đến giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông, Hà Nội kiến nghị nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực và xây dựng 2 tuyến đường ven sông, chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại, bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới. Bộ NN&PTNT thống nhất với đề xuất của Hà Nội về việc nâng cấp đê hiện có nhằm đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp đáp ứng yêu cầu giao thông. Đồng thời, thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường trên nguyên tắc: Không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có và không xây dựng đê bối mới.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho biết, việc xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0m (trên mức lũ báo động 3), tương tự hình thành đê bối mới là không phù hợp. Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP. Hà Nội lựa chọn phương án cao trình mặt đường tương đương cao trình mặt bãi sông tự nhiên, hoặc cao trình đê bối hiện có (đối với tuyến đường đi quan khu dân cư hiện có) để chỉ phục vụ phát triển giao thông, đảm bảo không gian thoát lũ và phù hợp với Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Hà Nội cần lắng nghe các ý kiến Bộ ngành
Thực tế, quy hoạch hai bên sông Hồng của Hà Nội đã được đặt ra từ lâu, nhưng đều dở dang vì chưa tìm ra lời giải cho bài toán thoát lũ, đê điều, di dời khu dân cư, phát triển quỹ đất ven sông… Khi thành phố đặt quyết tâm thực hiện phê duyệt quy hoạch trong tháng 6 năm nay, dự luận đánh giá rất cao, song cũng lường trước khó khăn không dễ dàng khi vướng quy định của những luật có liên quan. Và đúng là đã bước sang tháng 7, bản quy hoạch vẫn đang ở giai đoạn xin ý kiến, phản hồi ý kiến từ các bộ ngành liên quan.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn xác nhận, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Hiện nay, đã có Bộ NN&PTNT có văn bản trả lời, trên cơ sở đồng thuận cao, song yêu cầu tuân thủ phương án phòng, chống lũ.
“Thời gian tới, UBND thành phố xin ý kiến của Bộ Xây dựng, sau đó báo cáo Thành ủy, tiếp đó sẽ thực hiện phân cấp theo thẩm quyền. Dự kiến, cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được duyệt”, ông Tuấn cho biết.
Chia sẻ về những thông tin mới liên quan đến quy hoạch đô thị sông Hồng, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho hay: “Trước hết, Thành phố cần phối hợp mạnh mẽ, chặt chẽ với các bộ quản lý ngành, nhất là Bộ NN&PTNT để thống nhất về ổn định dòng chảy và an toàn hành lang thoát lũ. Trên cơ sở ý kiến của Bộ này, thành phố sẽ đối chiếu với quy hoạch chung được duyệt năm 2011 nhằm hoàn thiện quy trình và có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành phê duyệt.
Bên cạnh ý kiến của Bộ NN&PTNT, Hà Nội cũng nên trao đổi lấy ý kiến của các tỉnh lân cận có dòng sông chảy qua để ổn định dòng chảy, an toàn hành lang thoát lũ, cùng phát triển bền vững. Ngoài ra, Thành phố nên lấy tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, đây cũng là một bước trong quy trình hiện quy hoạch hiện nay. Riêng đối với quy hoạch phân khu sông Hồng là vấn đề tồn tại từ lâu thì càng cần phải chú trọng đến vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư”.
Theo ông Nghiêm, các cơ quan bộ ngành và thành phố Hà Nội sẽ phải tính toán chi tiết đến việc di dời, tái định cư khu vực dân cư nằm trong khu vực vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và thoát lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở và từng bước di dời các hộ dân không nằm trong khu dân cư tập trung.
Đối với các hộ dân nằm trong vùng không phải di dời, thì cần có chính sách bảo vệ, cải tạo, chỉnh trang đô thị cho khu vực. Đồng thời tìm kiếm các mặt bằng mới để bố trí cho người dân tái định cư tại chỗ, ổn định đời sống dân cư khu vực này.
Ông Nghiêm nhấn mạnh: “Câu chuyện kiểm soát quỹ đất hai bên sông cho xây dựng công trình thế nào, mật độ xây dựng ra sao sẽ phải lấy ý kiến từ các bộ như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc, Hội Quy hoạch… Đặc biệt là giao đất thế nào cần lấy nhiều ý kiến và tiến hành đấu giá công khai, minh bạch, không thể để xảy ra tình trạng khó di dời tái định cư hoặc chồng chất cao ốc như bài học của nhiều khu vực trước đây”.
KTS. Phạm Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, việc phê duyệt quy hoạch đô thị sông Hồng cần lấy ý kiến xem xét từ các bộ ngành liên quan là hoàn toàn hợp lý. Các bộ ngành sẽ phải nghiên cứu cẩn trọng để cho Hà Nội ý kiến. Từ đó, TP. Hà Nội mới có thể đưa ra một bản quy hoạch hoàn chỉnh, hợp lòng dân.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho biết, khi có quy hoạch, Hà Nội có thể phát huy cao nhất những điều kiện thuận lợi của thành phố bên sông. Cụ thể là phát triển đô thị xanh, hành lang xanh, không gian xanh tại khu vực bãi sông vốn đang phát triển tự phát, lộn xộn. Ðặc biệt, sẽ bảo đảm sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông.
Để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế từ quỹ đất hai bên sông Hồng, vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội cần quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, xây dựng các công trình trái phép, chất tải hạ tầng./.