Quy hoạch đã quá thời hạn, không khả thi cần kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ

(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cần tập trung hoàn thiện văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng; chính quyền các địa phương cần rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.

quy hoach da qua thoi han khong kha thi can kip thoi dieu chinh hoac huy bo
Kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo” (ảnh minh họa: Internet).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV:

“Vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế – xã hội, người dân trong ranh quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng; các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; ngoài ra còn trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án.

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các dự án hiện nay để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ quá 05 năm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:

“Quy hoạch treo” được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch. “Dự án treo” được hiểu là dự án đầu tư đã được xác định trong quy hoạch, chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt nhưng tổ chức triển khai thực hiện không đảm bảo tiến độ theo quy định.

Về quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia), quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Quy hoạch đô thị có thời hạn từ 10-20 năm, tùy theo phân loại và cấp hành chính đô thị và quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng theo quy định tại

Chương II Luật Xây dựng năm 2014 có thời hạn 20-25 năm (quy hoạch định hướng dài hạn).

Về dự án, đối với dự án đầu tư, thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư (Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành); đối với dự án đầu tư xây dựng, thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng (Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết thi hành) và pháp luật hiện hành có liên quan (đất đai, đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước…). Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng… trong thời hạn và chi phí xác định. Việc tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tiến độ thực hiện dự án phù hợp với thời hạn quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương theo phân cấp.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 59/2018/QH14 ngày 16/6/2018 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 28/BC-BXD ngày 15/3/2019 về vấn đề này, trong đó đã xác định rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó quy định người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, để khắc phục triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch

Cụ thể, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung:

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, về năng lực quản lý và nhân sự; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn đối với chất lượng quy hoạch. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị Quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.

Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông.

Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”

Chính quyền các địa phương cần:

Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định; Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị; Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị; Kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.

Tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.

Để triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”, trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích