Quy hoạch Bắc Ninh: Tầm nhìn mới, đột phá mới cho phát triển bền vững
(Xây dựng) – Bắc Ninh xưa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng và văn hiến. Với bề dày văn hóa phong phú từ ngàn năm lịch sử, Bắc Ninh ngày nay đã và đang không ngừng phát triển, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
Với bề dày văn hóa phong phú từ ngàn năm lịch sử, Bắc Ninh ngày nay đã và đang không ngừng phát triển, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế Việt Nam. |
Từ tầm nhìn…
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đoàn kết, nỗ lực không ngừng, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Bắc Ninh đạt 14%/năm, một con số ấn tượng. Đặc biệt, trong 10 năm qua, tỷ trọng kinh tế của tỉnh trong GDP cả nước đã tăng từ 2,3% lên 3,3%, khẳng định vị thế là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Bên cạnh những thành công, Bắc Ninh cũng đối mặt với những thách thức như cơ sở hạ tầng xã hội chưa phát triển tương xứng với kinh tế, nguy cơ ô nhiễm môi trường và diện tích tự nhiên hạn chế. Tuy nhiên, với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, lực lượng lao động trẻ, năng động và tay nghề cao, cùng vị trí địa lý thuận lợi, Bắc Ninh vẫn có nhiều cơ hội để phát triển.
Xuất phát từ nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 670 ngày 21/5/2020; qua nhiều lần tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, cũng như ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương và các thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia… Đến nay, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg, ngày 08/12/2023.
Quy hoạch được xây dựng dựa trên những quan điểm đột phá, lấy truyền thống, văn hóa và con người Bắc Ninh làm nền tảng, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. |
Với quyết tâm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được xây dựng dựa trên những quan điểm đột phá, lấy truyền thống, văn hóa và con người Bắc Ninh làm nền tảng, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo.
Đến năm 2030, Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc. Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8 – 9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 346,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng chú trọng phát triển kinh tế số, nông thôn mới, giáo dục, y tế và môi trường.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh hướng tới trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển hàng đầu châu Á và thế giới. Thành phố sẽ là một đô thị xanh, thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc, nơi người dân được thụ hưởng chất lượng cuộc sống ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực.
Bên cạnh thành phố Bắc Ninh là đô thị trung tâm, toàn tỉnh sẽ hình thành các trục không gian kinh tế – xã hội với 5 hành lang phát triển. |
… đến hành động
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bắc Ninh tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm tập trung đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới; phấn đấu có thêm các thành phố mới trước năm 2030: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Sáu đột phá chiến lược bao gồm: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách mới; đẩy mạnh phát triển hạ tầng; hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp; đổi mới giáo dục và đào tạo; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng quản trị và cải cách hành chính.
Bắc Ninh sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và y tế.
Bên cạnh thành phố Bắc Ninh là đô thị trung tâm, toàn tỉnh sẽ hình thành các trục không gian kinh tế – xã hội với 5 hành lang phát triển, bao gồm hành lang kết nối đô thị – thương mại – dịch vụ, hành lang kết nối dịch vụ – công nghiệp – thương mại, hành lang sinh thái, hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái và hành lang phát triển đô thị dịch vụ.
Phối cảnh minh họa quy hoạch phân khu phía Tây Bắc thành phố Bắc Ninh. |
Bắc Ninh cũng chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cảng hàng không, đường sắt đô thị và giao thông ngầm. Tỉnh cũng xây dựng các phương án bảo vệ môi trường, đảm bảo cung cấp đủ nước cho các ngành kinh tế và chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy.
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ pháp lý quan trọng để Bắc Ninh hoạch định chính sách, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới, hướng tới mục tiêu: Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện đại, năng động và đáng sống, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Nguồn: Báo xây dựng