Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cần phải lưu ý

(Xây dựng) – Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, phát triển nhà.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cần phải lưu ý
Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính, theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. (Ảnh minh họa)

Hướng dẫn các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng:

“1…Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, phát triển nhà.

Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động xây dựng… được tính từ ngày bàn giao công trình, hạng mục công trình theo quy định…”.

Bộ Xây dựng cho biết, thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính, theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính:

“a) Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

b) Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính…”.

Về việc xác định tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, Bộ Xây dựng cho biết, đối với trường hợp chủ đầu tư thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án. Việc xác định trách nhiệm của nhà thầu tư vấn quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng:

“a) Chủ đầu tư được quyền giao nhà thầu này thực hiện một hoặc một số công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý xây dựng công trình thông qua hợp đồng xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng xây dựng, xử lý các vấn đề liên quan giữa các nhà thầu tham gia xây dựng công trình và với chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện dự án;

Nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về những công việc được giao theo quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan”.

Tổ chức có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định số 16/2022/NĐ-CP (từ Điều 7 đến Điều 23) gồm: Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình.

Điều 23 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định: “Trường hợp nhà thầu tư vấn quản lý dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực là chủ đầu tư thì tùy theo phạm vi nhiệm vụ được giao, nhà thầu tư vấn quản lý dự án, Ban quản lý dự án bị xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi quy định từ Điều 7 đến Điều 22 của Nghị định này”.

Theo Bộ Xây dựng, đối với nhà thầu, việc xác định trách nhiệm của nhà thầu tư vấn giám sát được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 7, khoản 16 Điều 14 và khoản 2 Điều 19 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

Tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 16/2022/NĐ-CP (từ Điều 24 đến Điều 40) gồm: Nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích