Quy định về “người quyết định đầu tư” trong Nghị định 99/2021 của Chính phủ
(Xây dựng) – Ông Hoàng Ngọc Tuân có câu hỏi liên quan đến Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công có áp dụng đối với các nguồn vốn từ ngân sách nhưng không thuộc các dự án (ví dụ như vốn chi thường xuyên). Theo ông Tuân được biết, Điều 10 Mục 3 của Nghị định 99/2021/NĐ-CP có cho phép chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu số tiền lớn hơn 30%, vậy con số tối đa mà chủ đầu tư được phép tạm ứng cho nhà thầu là bao nhiêu %? Chủ đầu tư được phép thực hiện trong điều kiện nào? “Người quyết định đầu tư” thể hiện trong Điều 10 Mục 3 của Nghị định này là những đối tượng nào?
Ảnh minh họa. |
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điều 1 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định như sau:
“Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, bao gồm:
1. Quản lý, thanh toán vốn đầu tư công cho:
a) Dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
b) Nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn đầu tư công.
c) Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm: vốn đầu tư công thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được tách thành tiểu dự án trong dự án PPP và chi phí bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.
d) Dự án đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư…”
Tại Tiết a Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Đối với các công việc được thực hiện thông qua hợp đồng (bao gồm hợp đồng xây dựng và hợp đồng của dự án không có cấu phần xây dựng):
Tổng mức vốn tạm ứng trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư đảm bảo không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng (bao gồm cả dự phòng nếu có). Trường hợp cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép. Đối với dự án mà người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, việc quyết định mức tạm ứng cao hơn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Người quyết định mức tạm ứng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và quản lý việc sử dụng số vốn tạm ứng đúng quy định”.
Tại Khoản 27 Điều 3 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định:”Người quyết định đầu tư là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền phê duyệt dự án và quyết định đầu tư xây dựng”.
Nguồn: Báo xây dựng