Quy định về đo lường đối với thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện là rất cần thiết

Thời gian qua, nguồn năng lượng từ tài nguyên hóa thạch trên Trái đất đang cạn dần cộng thêm vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều hãng xe trên thế giới chuyển hướng sang sản xuất xe điện để thay thế cho xe dùng động cơ đốt trong như một xu thế tất yếu.

Tại Việt Nam, xe điện đang là một xu hướng mới với nhiều dư địa để phát triển. Theo đó, việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành; đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện/thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam là yêu cầu bức thiết.

Trụ sạc điện cho xe điện của Vinfast. 

Chia sẻ về việc cần phải có quy định về đo lường đối với thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện, ông Trần Quý Giầu – Trưởng Ban Ban Đo lường – Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thông tin:

Tháng 10/2022, tại Cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường Pháp định quốc tế (CIML) – Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã thông báo về việc ban hành hướng dẫn OIML G 22 “Các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với thiết bị sạc điện cho xe điện” (OIML G 22 – Electric Vehicle Supply Equipment – EVSE) và đề nghị các nước thành viên trong đó có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với thực tế và hài hoà với hướng dẫn OIML G 22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.

Tháng 8 năm 2021, Viện Đo lường quốc gia Úc (NMI) cũng có văn bản/tài liệu chính sách đo lường đối với trạm sạc điện cho xe điện (Electric Vehicle Charging Satations – Trade Measurement Policy Consultation Paper). NMI hiện đang tiến hành đánh giá lại toàn bộ khung pháp lý về quy định đo lường của Úc để bổ sung quy định kiểm soát đo lường đối với thiết bị sạc điện cho xe điện, trong đó có yêu cầu về việc phê duyệt mẫu và kiểm định đối với phương tiện đo này.

Đức hiện là thị trường xe điện lớn nhất ở châu Âu và đã có luật riêng về kiểm soát đo lường EVSE kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, một số nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Indonesia cũng đã có những dự thảo yêu cầu về việc quản lý đối với thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện.

Ở Việt Nam đã xuất hiện và đưa vào sử dụng các thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện để cung cấp dịch vụ thanh toán lượng điện tiêu thụ đòi hỏi phải quản lý nhằm bảo đảm công bằng giữa người mua và người bán. Khoản 2 Điều 16 Luật Đo lường quy định phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán thuộc danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định.

Điểm b khoản 1 Điều 55 Luật Đo lường quy định về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ ‘‘Đề xuất các loại phương tiện đo nhóm 2, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 và yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép đo nhóm 2 để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành’’.

Ngày 20/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1914/SKHCN-Ttra về việc rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung các Thông tư, trong đó có đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, bổ sung phương tiện đo: Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào danh mục phương tiện đo nhóm 2.

Ngày 26/12/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8353/BCTKHCN đề xuất bổ sung thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào danh mục phương tiện đo nhóm 2.

“Việc bổ sung thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện và cần được quản lý nhà nước về đo lường là rất cần thiết, phù hợp với quan điểm hoàn thiện cơ sở pháp lý để khuyến khích hỗ trợ việc sử dụng nhiện liệu sạch; phù hợp thông lệ quốc tế; đảm bảo công bằng giữa người mua và người bán; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”, ông Trần Qúy Giầu khẳng định.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích