Quy định về công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài tại Việt Nam

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 05/2021/TT-BTP hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư.

Thông tư số 05/2021/TT-BTP thay thế hai Thông tư là Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư và Thông tư số 02/2015/TT-BTP ngày 16/01/2015 quy định một số mẫu giấy tờ về luật sư và hành nghề luật sư.

Theo đó, Điều 3 của Thông tư quy định chi tiết việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài. Cụ thể, đối với giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được công nhận trong các trường hợp sau đây: Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định, thoả thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết; Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo mà các chương trình đào tạo đã được cơ quan kiểm định chất lượng của nước đó công nhận hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

Quy định về công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài tại Việt Nam
Ảnh minh họa.

Thông tư cũng quy định, người đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài muốn được công nhận ở Việt Nam thì nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Bộ Tư pháp. Đáng lưu ý, các giấy tờ quy định tại điểm b và c khoản này phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật và được dịch ra tiếng Việt; bản dịch tiếng Việt được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài, trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân được đánh số. Hai chữ số đầu là mã tỉnh; hai chữ số tiếp theo là mã của hình thức hành nghề luật sư, bốn chữ số tiếp theo là số thứ tự đăng ký dùng chung cho các loại hình tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Trong trường hợp chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư hoặc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư thì số thứ tự đã đăng ký của tổ chức hành nghề luật sư được giữ nguyên khi cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

Đối với việc miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư, Thông tư yêu cầu cần có Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 của Luật Luật sư hoặc được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 16 của Luật Luật sư.

Đối với việc thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, theo Thông tư, hằng năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, trừ trường hợp Quyết định kỷ luật luật sư bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư bị khiếu nại và đang được giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra quyết định thu hồi Thẻ luật sư của người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Quyết định thu hồi Thẻ luật sư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Thông tư cũng quy định Trưởng chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư. Theo đó, Văn phòng luật sư, công ty luật cử luật sư là thành viên hoặc luật sư làm việc theo hợp đồng lao động làm Trưởng chi nhánh, trừ trường hợp luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam. Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật, luật sư thành viên chỉ được làm Trưởng chi nhánh của một chi nhánh trực thuộc văn phòng luật sư, công ty luật đó. Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động chỉ được làm Trưởng chi nhánh của một chi nhánh của một tổ chức hành nghề luật sư. Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và các đơn vị trực thuộc.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2021.

Tuấn Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích