Quy định mới nhất về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
(TN&MT) – Bạn đọc Nguyễn Hữu Huyền Thương (Nam Định) hỏi: Gia đình tôi đang xây dựng trang trại chăn nuôi. Quy mô đàn gia súc khoảng 300-500 con. Xin hỏi, với quy mô này, gia đình tôi phải đáp ứng những yêu cầu gì về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp?
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường như sau:
Hiện, pháp luật có quy định cụ thể về điều kiện đối với trang trại chăn nuôi nói chung và điều kiện đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Điều kiện đối với các trang trại chăn nuôi nói chung
Căn cứ Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường 2020, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.
Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh;
Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường;
Việc sử dụng chất thải từ hoạt động chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.
Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 55 Luật Chăn nuôi 2018, chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau: Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại…
Ngoài ra, theo Điều 23 Nghị định 13/2020/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
Nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi gia súc
Theo quy định, chăn nuôi trang trại quy mô lớn là từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên; Chăn nuôi trang trại quy mô vừa là ừ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi; Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ là từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi; Chăn nuôi nông hộ là dưới 10 đơn vị vật nuôi.
Như vậy, trang trại nhà bạn có từ 300-500 sẽ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Chăn nuôi 2018 và các văn bản liên quan.