Quy định đánh đố doanh nghiệp
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Nội dung chính của thông tư là yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phải tự phân loại theo tiêu chí.
Sau khi được công bố, bản dự thảo lập tức gây chú ý với quy định về tiêu chí cửa hàng tiện lợi phải có diện tích từ 30m2 đến 200m2, đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m… Liên tục những phản hồi từ công luận, trong đó có ý kiến của đại diện doanh nghiệp và giới chuyên gia.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong một văn bản góp ý đã thẳng thắn đề nghị bỏ đề xuất cửa hàng tiện lợi bán cho khách trong phạm vi dưới 500m. Phía VCCI khẳng định rõ, đề xuất này “không khả thi”. Ý kiến của VCCI, theo người viết, là xác đáng.
Đề xuất cửa hàng tiện lợi bán cho khách trong phạm vi dưới 500m được đánh giá là không khả thi (Ảnh minh họa: An Chi). |
Hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa là quyền tự do của công dân, không thể vì khách hàng ở xa hay ở gần cửa hàng tiện lợi mà quyết định việc bán hay không bán. Chẳng nhẽ mỗi lần giao dịch, cửa hàng sẽ phải yêu cầu khách trình tạm trú hay sổ hộ khẩu để mua đồ? Giả sử cửa hàng đó phục vụ khách hàng ngoài phạm vi 500m thì sẽ bị xử phạt hay sao?
Chiều 13/7, thông tin với báo chí, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) làm rõ một số ý kiến trái chiều, trong đó khẳng định: Quy định “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại dự thảo Thông tư (ở Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi) không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia.
Đại diện Bộ Công Thương nói rằng, tiêu chí đó nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
Tuy vậy, với quy định trong Thông tư (một văn bản dưới luật thường rất cụ thể, có tính chất hướng dẫn) mà vẫn tạo ra nhiều cách hiểu, ngay cả chuyên gia cũng hiểu sai ý ban soạn thảo thì liệu rằng quy định đó nếu áp dụng vào thực tế sẽ có thể tạo ra “ma trận” suy luận thế nào? Các quy định về luật pháp cần phải rõ ràng, minh bạch và thống nhất cách hiểu với người đọc, có như vậy mới tránh được những rắc rối về sau. Việc để tồn tại nhiều cách hiểu cho một quy định chẳng khác nào đánh đố doanh nghiệp, gây khó khăn cho công tác triển khai và có thể là môi trường phát sinh nhũng nhiễu khi áp dụng vào thực tế.
Ngoài ra, theo góp ý của VCCI, tại dự thảo Thông tư nói trên, Bộ Công Thương còn đưa ra những quy định khác như yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng; yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng; yêu cầu các cửa hàng tiện lợi buộc phải chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân…
Theo VCCI, đây đều là những quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.
Đành rằng phải coi trọng công tác đảm bảo kết cấu hạ tầng thương mại, nhưng Bộ Công Thương cũng cần thấy rằng, hơn ai hết, bản thân doanh nghiệp luôn cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn địa điểm kinh doanh. Nếu như chọn vị trí không hợp lý, không phù hợp với nhu cầu với khách hàng, không cạnh tranh được với các dịch vụ tương tự, đương nhiên chủ doanh nghiệp sẽ là người thiệt hại nhất.
Bởi vậy, thay vì can thiệp sâu đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, Bộ Công Thương nên có những giải pháp thiết thực, hữu hiệu hơn trong kiểm tra vi phạm nguồn gốc xuất xứ, chống hàng nhái hàng giả, hàng trốn thuế, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chân chính sáng tạo, phát triển.
Việc đưa những quy định không thực tế và dễ gây hiểu nhầm trong thực thi có thể sẽ khiến uy tín của cơ quan soạn thảo bị ảnh hưởng, đồng thời lãng phí nguồn lực cho những công việc cần thiết hơn. Rất may là những quy định này mới chỉ nằm ở dạng dự thảo. Nên nhớ rằng, trong suốt những năm qua, bản thân Bộ Công Thương cũng như nhiều bộ ngành khác đã phải rất mất công để rút lại những quy định, những điều kiện kinh doanh không cần thiết (hay còn gọi là “giấy phép con”). Thống kê của Bộ này cho thấy, qua các lần cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tính trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm 70%).
Các cấp, các ngành đều đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, theo đó, công tác soạn thảo quy định luật, dưới luật càng cần phải đứng trên lập trường tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được hoạt động, kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Đặc biệt là khi đất nước đang trong quá trình hồi phục trở lại sau đại dịch, cộng đồng doanh nghiệp, người dân còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, chịu áp lực lớn bởi lạm phát và sự suy yếu cầu tiêu dùng, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý đừng nên bắt họ phải chịu thêm rủi ro pháp lý, gánh nặng thêm loại chi phí vô hình nào khác!
Về dự thảo Thông tư lần này, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được 69 ý kiến góp ý, trong đó có 5 bộ/ngành, 5 UBND cấp tỉnh, 11 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 48 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố. Mong rằng cơ quan soạn thảo sẽ cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bên, dứt khoát loại bỏ quy định bất hợp lý, hoàn thiện dự thảo theo hướng phù hợp với thực tế, dễ hiểu và dễ thực thi.
Nguồn: Báo xây dựng