Quy định chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế cho Thủ đô

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 59 điều

Ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Trưởng Ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo lần thứ hai để chỉ đạo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp của một số tỉnh trong Vùng Thủ đô và một số chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đây là cuộc họp lần thứ hai của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nhằm kiểm đếm, đánh giá về những hoạt động đã triển khai sau cuộc họp lần thứ nhất. Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và cùng bàn về kế hoạch tiếp theo cần tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ trình, chất lượng dự án Luật.

Quy định chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế cho Thủ đô
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Trưởng Ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chủ trì cuộc họp

Bộ trưởng đánh giá cao cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội, các bộ, ngành với Bộ Tư pháp; trong thời gian rất ngắn đã có được sản phẩm tương đối dày dặn, công phu trình xin ý kiến Ban soạn thảo, Tổ biên tập lần này.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp – đại diện Tổ biên tập đã trình bày về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Thủ đô và kết quả làm việc của Tổ biên tập chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo.

Quy định chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế cho Thủ đô
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến trình bày về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Thủ đô.

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Cụ thể: Chương I. Những quy định chung (gồm 8 điều: từ Điều 1 đến Điều 8) – có 3 điều kế thừa toàn bộ quy định của Luật Thủ đô năm 2012 là Điều 5, Điều 6, Điều 7; các quy định còn lại cơ bản kế thừa, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung.

Chương II. Tổ chức chính quyền tại Thủ đô gồm 11 điều: Từ Điều 9 đến Điều 19) – đây là Chương mới so với quy định của Luật Thủ đô năm 2012.

Chương III. Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô (gồm 16 điều: Từ Điều 20 đến Điều 35) – kế thừa có sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 13, 14, 15, 16, 17, 18 và Điều 20 Luật Thủ đô năm 2012.

Chương IV. Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô (gồm 11 điều: Từ Điều 36 đến Điều 46) – đây là Chương mới so với Luật Thủ đô năm 2012, được thiết kế trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô năm 2012.

Chương V. Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô (gồm 6 điều: Từ Điều 47 đến Điều 52) – đây là Chương mới so với Luật Thủ đô năm 2012, nội dung Chương này được kế thừa có sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Vùng Thủ đô của Luật Thủ đô năm 2012 và luật hoá một số quy định của Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21/10/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 7 điều: Từ Điều 53 đến Điều 59) – được thiết kế trên cơ sở kế thừa, gộp 2 Chương III và Chương IV của Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung quy định về chuyển tiếp.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã cho ý kiến về sự cần thiết phải xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, tập trung về một số vấn đề như: Thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đặc thù; biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố Hà Nội; thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội; quản lý tài sản công và mô hình thử nghiệm có kiểm soát; thẩm quyền đầu tư; áp dụng pháp luật; thành lập công ty đầu tư, phát triển hạ tầng; doanh nghiệp quản lý, khai thác quỹ đất thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước.

Bảo đảm tiến độ đã được xác định

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh việc soạn thảo dự án Luật cần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Quy định chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế cho Thủ đô
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng cần lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, các cơ chế, chính sách quy định tại dự thảo Luật khác với pháp luật hiện hành hoặc pháp luật hiện hành chưa có quy định, nhưng phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuyệt đối tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; cần lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Tổ biên tập cần lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh sẵn có của Thủ đô; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của Hà Nội. Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng đề nghị Tổ thư ký ghi chép đầy đủ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên nêu tại cuộc họp.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật cũng đề nghị, trong thời gian tới, Tổ biên tập tiếp tục chia nhóm theo từng lĩnh vực để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp có kế hoạch tổ chức làm việc trực tiếp với từng bộ, ngành liên quan về từng nhóm quy định ở từng lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật để tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm tiến độ đã được xác định tại Kế hoạch soạn thảo dự án Luật.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích