Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng
Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 2.870.000 tỷ đồng gồm: Vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng, bao gồm (vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); Vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.
Số vốn phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương như sau: Phân bổ vốn ngân sách trung ương 1.090.014,445 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương 1.233.000 tỷ đồng.
Đối với số vốn ngân sách địa phương còn lại chưa phân bổ chi tiết 137.000 tỷ đồng, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi giao kế hoạch.
Nghị quyết định hướng kế hoạch đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới.
Nghị quyết cũng định hướng giai đoạn tới sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đáp ứng yêu cầu về tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 1).
Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông – Tây, Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021 – 2025…