Quốc hội thảo luận về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận về chương trình phục hồi và phát triển KT – XH, sáng 7/1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cụ thể hoá nội dung dự thảo Nghị quyết về chương trình phục hồi kinh tế

Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT – XH, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình, cụ thể như: tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 – 2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).

Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của chương trình phục hồi của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Thảo luận nội dung này, các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội (đoàn Hà Nội) cho rằng, gói hỗ trợ phải quan tâm đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra.

“Mục tiêu của gói phục hồi lần này hướng đến là chấp nhận bội chi và đi vay, để sau một thời gian nhất định thu được chi phí lớn hơn. Vì vậy, vấn đề hiệu quả của dự án là phải trả lời được câu hỏi, với trên 346.000 tỷ đồng đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra”, Đại biểu Mai phân tích.

Tuy nhiên, đối chiếu với Nghị quyết, nội dung này chưa được cụ thể hóa. Dù trong dự thảo Nghị quyết quy định 3 mục tiêu là: tăng trưởng GDP từ 6,5 – 7% và phục hồi sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng với các mục tiêu khái quát như vậy, nếu không có cam kết kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác cho hiệu quả sau này.

Về căn cứ và tiêu chí đầu tư nguồn lực, căn cứ Luật Đầu tư công và các nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những quy tắc quan trọng đó là nguồn lực được phân bổ phải được xác định trên các nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ràng buộc. Lần này chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng, có mục tiêu phân bổ trực tiếp, có mục tiêu qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì phải có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách.

Chính phủ chủ động, khẩn trương xây dựng chính sách tài khoá tiền tệ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương và cầu thị trong quá trình xây dựng chính sách tài khóa tiền tệ.

Nữ đại biểu quan tâm đến người lao động và thị trường lao động. Theo đại biểu, cuộc suy thoái kinh tế lần này đã để lại hậu quả nặng nề đến thị trường lao động và người lao động. Tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm rất rõ.

“Trong quý III, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động của đại dịch. Trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Biến thể Delta đã cuốn đi khoảng 1/4 mức lương bình quân tháng của người lao động vùng Đông Nam Bộ. Đồng lương của người lao động vốn không dư dả thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn”, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu các con số.

Đại biểu cho biết thêm, qua khảo sát 43.000 lao động mất việc, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống cho 3 tháng và chỉ có hơn 4% đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.

Đại biểu cũng nêu nghịch lý hiện nay là thị trường lao động, nơi cần người lao động thì không có, nơi có thì không cần. Đại biểu kiến nghị tăng gói hỗ trợ cho người lao động, cả chính thức và phi chính thức; hỗ trợ tiền xây nhà ở cho công nhân; hỗ trợ xét nghiệm, đi lại, tư vấn cho người lao động khi trở lại làm việc.

ĐB Nguyễn Thị Thủy: Chính phủ đã chủ động, khẩn trương trong xây dựng chính sách tài khóa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy: Chính phủ đã chủ động, khẩn trương trong xây dựng chính sách tài khóa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ở điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, với việc trình gói hỗ trợ này, Chính phủ đã vào cuộc kịp thời, chính sách tài khóa và tiền tệ đầy ý nghĩa nhân văn này hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát dịch bệnh và an dân.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, chính sách miễn, giảm thuế được trình trong dự thảo nghị quyết là phù hợp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, có bao gồm cả doanh nghiệp FDI hay không và cần quy định cụ thể hơn, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan tỏa.

Về chi ngân sách cho phòng, chống dịch, đại biểu đề nghị tăng chi cho chương trình phòng, chống dịch, trang thiết bị ngành y tế, hỗ trợ chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất việc hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng phải quy định chặt chẽ, tránh để mất vốn. Hoặc việc tăng vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp, theo đại biểu là cần thiết, nhưng phải giải thích cho các ngân hàng khác, tránh so bì. Đồng thời, đối tượng còn nhiều mà tiền thì có hạn, nên chính sách hỗ trợ cũng cần cân nhắc.

Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát và cho vay chặt chẽ

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, chương trình quy mô lớn nhất từ trước đến nay, gần 350.000 tỷ đồng, nên phải có giải pháp cụ thể. Đại biểu đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, cần dự kiến huy động trong nước và vốn vay nước ngoài là bao nhiêu. Theo đại biểu, cần huy động nguồn vay trong nước, vay nước ngoài thời gian trả nợ, điều kiện ràng buộc rất khó.

Cũng theo đại biểu, trong công tác phòng, chống dịch, phải nâng cao năng lực của y tế cơ sở, trong gói 14.000 tỷ đồng, phải cân nhắc quan tâm đến con người. Cán bộ y tế tuyến cơ sở yếu về chuyên môn, phải nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, nhưng cần có trọng tâm trọng điểm. Ngoài ra, cần làm rõ tiêu chí, cần ưu tiên tập trung đầu tư trang thiết bị y tế cho trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, bởi theo đại biểu Mai Văn Hải, như vậy sẽ hiệu quả lâu dài hơn.

“Về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với gói gần 40.000 tỷ đồng và lãi suất 2%/năm, là gói hết sức quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, như lĩnh vực: du lịch, vận tải hành khách, ngành hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn… đồng thời, các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng vay để mang đi đầu tư các lĩnh vực khác, gây rủi ro, làm suy giảm nền kinh tế”, đại biểu đề nghị.

Một số ý kiến thống nhất điều chỉnh một số chỉ tiêu để thực hiện gói hỗ trợ theo như đề xuất của Chính phủ, nhưng cần rà soát kỹ các đối tượng, bảo đảm khả năng trả nợ trong tương lai.

Có ý kiến cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm ưu tiên, nhưng phải tính toán cẩn trọng, cần hỗ trợ phù hợp, tính toán sức hấp thụ đến đâu, cần cung cấp cho doanh nghiệp cho hướng đi và cách đi, “trao cần câu hơn cho con cá”. Do đó, chính sách tài khóa cần đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phải theo xu thế phát triển với những dự án có tính lan tỏa cao.

Cũng có ý kiến đề nghị cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát và cho vay chặt chẽ, tránh việc doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, vay vốn xong gửi lại ngân hàng lấy lãi.

Về giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, có ý kiến đề nghị nên cân nhắc giảm thuế 1% nhưng thực hiện trong 2 năm, tránh ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Xem link!

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích