Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp bất thường
(Xây dựng) – Theo chương trình kỳ họp thứ 6 khoá XV, ngày cuối cùng (29/11/2023) Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung). Tuy nhiên, sau 3 kỳ họp, Chính phủ và Quốc hội quyết định chưa thông qua để tháng 01/2024 kỳ họp bất thường (lần thứ 5) tiếp tục thảo luận, đưa ra các phương án xin ý kiến Quốc hội có thể biểu quyết thông qua. Đó là một quyết định sáng suốt của cơ quan quyền lực cao nhất…
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6. |
…Nguyên nhân chủ yếu do dự án Luật thiết kế chính sách chưa tập trung, nhiều nội dung chưa trúng, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách lớn, quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Về tổng thể, dự án Luật còn nhiều bất cập phát sinh từ trong thực tiễn. Để khơi thông nguồn lực đất đai, đặt lên hàng đầu yêu cầu về chất lượng của dự án Luật, nhằm bảo đảm vững chắc, ổn định và lâu dài.
Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 bộc lộ khá nhiều bất cập, thiếu thống nhất và đồng bộ với một số luật liên quan (Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu). Tình trạng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch treo, quy hoạch của nhiều ngành chồng lấn, quy hoạch không có tầm nhìn còn phổ biến, gây cản trở cho quá trình thực hiện, nhiều vướng mắc trong quản lý, sử dụng, khai thác tiềm năng đất đai và là một trong những nguyên nhân của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, kìm hãm sự phát triển kinh tế, nhiều nơi gây bất ổn về trật tự, an toàn xã hội, do mâu thuẫn giữa người với chính quyền địa phương.
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về đổi mới, hoàn thiện chính sách về đất đai, nội dung cần sửa đổi: Bỏ quy định về khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, địa phương xây dựng giá trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng quy định tại các Điều 79, 126 và 128 và Điều 159 về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi. Dù áp dụng quy định nào về giá đất, cũng phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân; Nhà nước kiểm soát được địa tô chênh lệch; bảo vệ được cán bộ; bảo đảm khả thi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội. Do đó, Luật phải nêu rõ điều kiện áp dụng, nguyên tắc lựa chọn của từng phương pháp, tốt nhất là định giá sát với thị trường, hoặc thỏa thuận với người dân khi thu hồi, nhất là các dự án kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Mặt khác, Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp năm 2017 có xung đột, quy định mâu thuẫn giữa đất nông nghiệp với đất rừng, đất tín ngưỡng. Luật Lâm nghiệp không quy định rõ về thửa đất, lô rừng, về tiêu chí rừng trồng, phân loại đất, phân loại rừng, quy hoạch sử dụng đất rừng… ảnh hưởng trực triếp đến quá trình hưởng lợi của dân tộc thiểu số mà cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Điều này hạn chế vai trò “chủ rừng” về vị trí pháp lý… Trên cơ sở bất cập giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp, cần quy định rõ và đưa đất lâm nghiệp vào Luật Đất đai. Đất lâm nghiệp là đất đang có rừng tự nhiên, hoặc đất có rừng trồng đạt tiêu chí rừng, đất đang khoanh nuôi để phục hồi rừng, đất nuôi trồng rừng nhưng chưa thành rừng, đất đang trồng hoặc đã giao, đã cho thuê để trồng rừng và diện tích trong ranh giới các khu rừng đã được quyết định loại rừng theo quy định pháp luật về lâm nghiệp, đất sử dụng cho hoạt động chế biến và thương mại lâm sản, bổ sung đất rừng tín ngưỡng theo quy định của Luật Lâm nghiệp…
Nguồn: Báo xây dựng