Quảng Trị: Xây dựng thương hiệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ
Tiềm năng và lợi thế
Bất chấp những khó khăn và thử thách của dịch Covid – 19, nông – lâm nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế tại tỉnh Quảng Trị. Tỉnh tiên phong thực hiện quản lý rừng bền vững, Quảng Trị đang dồn nguồn lực cho mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ khu vực miền Trung. Bên cạnh chú trọng đảm bảo vấn đề lương thực, Quảng Trị luôn nỗ lực đồng hành cùng bà con nông dân trong công tác trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn đáp ứng tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu. Các đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025 đang được xúc tiến triển khai thực hiện.
Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp khoảng 290.476 ha, trong đó diện tích rừng sản xuất 129.606 ha; rừng phòng hộ 94.302 ha; rừng đặc dụng 66.568 ha. Trong diện tích rừng sản xuất, tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 85.000 ha rừng keo (có hơn 23.000 ha rừng có chứng chỉ FSC là tiềm năng lớn trong việc sản xuất gỗ nguyên liệu). Với sản lượng gỗ keo khai thác trên địa bàn tỉnh hằng năm hơn 1,5 triệu m3, đây là nguồn gỗ rất lớn không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Bình Dương, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh… và xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Với tiềm năng và lợi thế hiện có đã đưa tỉnh Quảng Trị trở thành địa phương sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn của cả nước phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, đặc biệt là dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị với công suất thiết kế 120.000 m3 sản phẩm/năm, với công nghệ hiện đại đã nâng cao năng lực chế biến gỗ MDF của tỉnh Quảng Trị lên 180.000 m3.
Ứng dụng công nghệ phát triển ngành chế biến gỗ
Phát huy lợi thế và tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với yêu cầu của thị trường, tỉnh Quảng Trị ưu tiên thực hiện công tác rà soát bổ sung quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến (phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác gỗ tăng 10 – 15%/năm giai đoạn từ 2017 – 2025), luôn hỗ trợ, tạo điều kiện mặt bằng sản xuất, giao đất rừng, vốn vay hỗ trợ công tác trồng và phát triển nguyên liệu để các doanh nghiệp chủ động trong việc trồng rừng nhằm chủ động vùng nguyên liệu…
Bên cạnh đó, luôn thúc đẩy phát triển các mô hình chế biến gỗ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để từng bước cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững… chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp chế biến gỗ… tiếp cận, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ nhằm phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh sản xuất trong nước…
Phấn đấu dẫn đầu ngành
Mục tiêu đến năm 2025: phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5.600 tỷ, tăng bình quân 13%/năm; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 120 triệu USD đến năm 2025, tăng bình quân 8,4%/năm, phấn đấu tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ so với ngành công nghiệp chế biến là 10%; giải quyết 3.000 lao động có việc làm ổn định và hàng nghìn lao động gián tiếp, tăng bình quân giai đoạn khoảng 7,4%/năm, đặc biệt quảng bá thương hiệu đồ gỗ Quảng Trị trở thành thương hiệu địa phương nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trên địa bàn, thời gian tới tỉnh Quảng Trị tập trung nâng cao năng lực và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ hiện có, từng bước chuyển đổi mặt hàng phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển và xu hướng thị trường ngành chế biến gỗ, đặc biệt là thị trường EU sau khi Việt Nam và EU ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cũng như tiếp cận và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm phát huy tiềm năng. Lập các dự báo về thị trường trung hạn và dài hạn ngành chế biến gỗ trong nước và thế giới, đặc biệt là thị trường xuất khẩu để có chiến lược phù hợp xây dựng thương hiệu hàng hóa sản phẩm gỗ có chất lượng của tỉnh.
Quảng Trị đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với Quảng Trị để thiết lập các cơ sở sản xuất, nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, công nghiệp từ gỗ rừng trồng nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho nguồn nguyên liệu gỗ của tỉnh. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi triển khai dự án trên địa bàn, trong đó phân công Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị (Quang Tri IPA) làm đầu mối hỗ trợ từ khâu khảo sát đến khâu hỗ trợ triển khai dự án đầu tư. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để Quảng Trị là đơn vị dẫn đầu cả nước về ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Dư địa của kinh tế nông, lâm nghiệp nói chung vô cùng lớn, có khả năng làm gia tăng giá trị tăng trưởng so với các ngành khác trong nội hàm nền kinh tế. Do đó, cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp. Đưa các lĩnh vực thế mạnh trong ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh Quảng Trị cùng đóng góp vào nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề hiện thực hóa công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu