Quảng Trị: Xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cà phê

Quảng Trị: Xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cà phê

Slow Việt Nam sẽ sản xuất, chế biến và xuất khẩu 1.000 tấn cà phê nhân Arabica; phát triển chuỗi liên kết với 2.000 nông dân; chuyển đổi 2.500 ha sang phương thức canh tác nông lâm kết hợp; tăng thu nhập của nông hộ lên 40%…

Theo đó, ngày 17/9 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với các sở ngành, địa phương và Công ty TNHH Slow Việt Nam về tình hình triển khai dự án xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của dự án trong giai đoạn 2023 – 2027, với vai trò là đối tác thương mại của dự án, Slow Việt Nam sẽ sản xuất, chế biến và xuất khẩu 1.000 tấn cà phê nhân Arabica; phát triển chuỗi liên kết với 2.000 nông dân; chuyển đổi 2.500 ha sang phương thức canh tác nông lâm kết hợp; tăng thu nhập của nông hộ lên 40%; 18.000 ha rừng tự nhiên trong hành lang đa dạng sinh học giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông được bảo vệ hiệu quả…

Slow Việt Nam là đối tác thương mại tham gia thực hiện dự án “Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị” (PFFP), do chính phủ Đan Mạch tài trợ, theo Quyết định số 1928/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành ngày 28/8/2023, bao gồm hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức canh tác từ đơn canh sang nông lâm kết hợp và đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với nông dân và các Hợp tác xã, đơn vị chế biến tại huyện Hướng Hóa.

Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2024 Slow Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy chế biến cà phê thóc sang cà phê nhân tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà, tùy theo tình hình thực tế và chiến lược kinh doanh, Slow Việt Nam xem xét kế hoạch nâng cấp và mở rộng nhà máy chế biến cà phê thóc sang cà phê nhân và chế biến sâu thành phẩm cà phê.

Năm 2025 sẽ xây dựng nhà máy chế biến cà phê quả tươi tại khu vực huyện Hướng Hóa để chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển chuỗi cung ứng bền vững…

tm-img-alt
Triển khai xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tại buổi làm việc, các sở ngành trao đổi một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án: Thủ tục đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân Arabica tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà; số nông dân đăng ký cung ứng và khối lượng cà phê quả tươi cho Slow Việt Nam rất ít, chiếm 20% so với mục tiêu trong niên vụ 2024; khó khăn trong việc xác định đơn vị chế biến là các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến địa phương do dự án PFFP giới thiệu; địa điểm để xây dựng nhà máy chế biến cà phê quả tươi trên địa bàn huyện Hướng Hóa trong năm 2025…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ghi nhận những đóng góp của Slow Việt Nam thời gian qua trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cà phê. giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp địa phương và nhà đầu tư rà soát nhu cầu của các Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ cá nhân trồng cà phê để hướng dẫn, hoàn thiện các hồ sơ thẩm định, phê duyệt kế hoạch liên kết đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa khẩn trương rà soát lại quy hoạch, tìm vị trí đảm bảo đủ tiêu chuẩn tạo điều kiện để Slow Việt Nam triển khai các thủ tục đầu tư Nhà máy chế biến cà phê quả tươi.

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai các dự án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan và địa phương đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục về thuê đất, cấp phép đầu tư nhằm sớm đưa Nhà máy chế biến cà phê nhân Arabica tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà đi vào hoạt động trong năm 2024; hỗ trợ các Hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hướng Hóa hoàn thiện các thủ tục về giấy phép môi trường, quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo đủ điều kiện tham gia liên kết cung ứng sản phẩm cà phê cho Slow Việt Nam.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích