Quảng Trị: Thúc đẩy dự án xây dựng băng tải vận chuyển than đá từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay
Quảng Trị: Thúc đẩy dự án xây dựng băng tải vận chuyển than đá từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay
Dự án xây dựng băng tải vận chuyển than đá từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Nam Tiến.
Theo đó, chiều ngày 23/7, đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án xây dựng băng tải vận chuyển than đá từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy. Tham dự còn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Dự án này đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Nam Tiến tại Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 28/6/2024 với tổng mức đầu tư khoảng 1.489 tỷ đồng.
Sau khi được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty TNHH Nam Tiến đã có Tờ trình về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Trên cơ sở đó, các sở, ban ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã tham gia ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án với thời hạn trước ngày 20/7/2024.
Tại cuộc họp, lãnh đạo sở Giao thông vận tải cho biết, Dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam có chiều dài khoảng 6,034km.
Hiện sở Giao thông vận tải – đơn vị thẩm định dự án đã nhận được ý kiến tham gia của các ngành chuyên môn và đề nghị Nhà đầu tư bổ sung và làm rõ một số nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung, chỉnh sửa Hồ sơ dự án đảm bảo theo đúng quy định.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị nhà đầu tư cần sớm hoàn thiện các thủ tục cấp phép thi công nút giao đấu nối từ kho bãi tập kết hàng hóa theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo khai thác đồng bộ với tuyến Quốc lộ 15D. Đồng thời bổ sung các hồ sơ liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảng tổng mức đầu tư, bản đồ quy hoạch, đề cương lập nhiệm vụ thiết kế, hợp đồng với đơn vị tư vấn, văn bản thỏa thuận đấu nối, biên bản nghiệm thu kết quả khảo sát, biên bản thỏa thuận với chính quyền địa phương trong khu vực, văn bản chấp thuận về quản lý độ cao công trình và các văn bản pháp lý liên quan nhằm phục vụ công tác thẩm định.
Đây là Dự án được thực hiện nối từ kho bãi Lào về kho bãi Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế La Lay. Vì vậy, để đảm bảo tính đồng bộ của Dự án, các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đề nghị Công ty TNHH Nam Tiến chủ động liên hệ với Nhà đầu tư thực hiện Dự án phía Lào nhằm triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý đồng thời và đảm bảo tính kết nối của Dự án.
Đối với đoạn băng tải từ kho bãi hàng hóa tại Km4+265 – QL.15D đến cảng Mỹ Thủy dài khoảng 70km, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Phonesack Việt Nam khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng với thời gian là 6 tháng. Sau thời gian trên, nhà đầu tư không có hồ sơ báo cáo thì văn bản này hết hiệu lực.
Sau khi nghe nhà đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án, ý kiến phát biểu của đại diện các ngành, địa phương, đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị nhà đầu tư chủ động làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương, đơn vị có liên quan để được hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết. Trong quá trình khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, cần cập nhật các quy hoạch, dự án, công trình liên quan, trong đó lưu ý các quy hoạch đã được phê duyệt như: Khu Kinh tế Đông Nam, các khu Công nghiệp…, các vị trí giao cắt giữa tuyến băng tải đối với các tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cao tốc Cam Lộ – La Sơn, tuyến đường sắt Bắc – Nam, Quốc lộ 1…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị Sở Giao thông vận tải sớm hoàn thiện báo cáo thẩm định chuyên ngành để có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo. Giao nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị liên quan cử cán bộ có kinh nghiệm, nghiệp vụ để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục để sớm phê duyệt dự án, triển khai thi công dự án đúng tiến độ.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, huyện Đakrông và nhà đầu tư phối hợp để tạm ứng trước kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng; làm việc với các ngành liên quan để hoàn thiện thủ tục đấu nối điện phục vụ dự án.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị