Quảng Trị: Phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn
(Xây dựng) – Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị đã có kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Resort sepon Quảng Trị – điểm đến lý tưởng tại Khu du lịch – dịch vụ Cửa Việt. |
Theo đánh giá chung của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch Quảng Trị, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đa số là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, không có nguồn thu, nguồn dự trữ để tái đầu tư, duy trì, phát triển dịch vụ, cơ sở vật chất dần xuống cấp vì suốt thời gian dài không đón khách được.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chi thêm các chi phí phòng, chống dịch nên ảnh hưởng càng nặng hơn. Các đơn vị lữ hành dừng hoạt động hoàn toàn, trong đó có 3 doanh nghiệp phải xin rút giấy phép hoạt động (1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 2 doanh nghiệp lữ hành nội địa). Đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành bị tác động nghiêm trọng: Hướng dẫn viên du lịch đa số làm hợp đồng theo từng sản phẩm nên nghỉ việc không lương; lao động trong các khách sạn, nhà hàng cũng phải nghỉ việc không lương do doanh nghiệp không duy trì hoạt động.
Một số lượng lớn lao động ngành Du lịch chuyển sang ngành nghề khác. Các kế hoạch liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới đều bị ngưng trệ. Qua thống kê cho thấy, số lượt khách du lịch và doanh thu xã hội năm 2021 giảm đến 80% so với năm 2019.
Ông Lê Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết: Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Kế hoạch 3228 ngày 7/9/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch Quảng Trị trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19.
Kế hoạch chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến hết 31/12/2021): Tập trung sửa chữa, cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch Quảng Trị với thông điệp “Người Quảng Trị đi du lịch Quảng Trị”, “Du lịch Quảng Trị an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái “bình thường mới”; chỉ cho phép tổ chức các chương trình tham quan du lịch khép kín (tour combo) đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo quy định.
Giai đoạn 2 (từ tháng 01-12/2022): Khi tình hình Covid-19 được kiểm soát tốt, tập trung khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi các hoạt động dịch vụ – du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch bệnh. Trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp.
Để từng bước ổn định, sớm hoạt động trở lại, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có một số kiến nghị, đề xuất như: Giảm thuế suất VAT từ 10% xuống còn 0- 5% đến hết năm 2022 cho hoạt động kinh doanh du lịch. Tiếp tục thực hiện Thông tư số 47/2021/ TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2022 (hiện đang áp dụng đến hết ngày 31/12/2021). Tiếp tục giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất theo Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 của Chính phủ (tính đến 30/9/2021 đã hỗ trợ 136 cơ sở lưu trú du lịch với tổng kinh phí là 1,67 tỷ đồng).
Bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh du lịch vay với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động (để giữ chân lao động có tay nghề cao), vay sửa chữa, duy tu cơ sở lưu trú du lịch, điểm du lịch xuống cấp do thời gian dài đóng cửa, tạm dừng hoạt động lâu ngày. Sớm triển khai thực hiện việc giảm 80% tiền ký quỹ ngân hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được sửa đổi theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Lao động trong ngành Du lịch là nhóm lao động đặc thù, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, đào tạo lại nhằm tạo việc làm cũng như cung ứng đủ nhân lực để không bị đứt gãy lao động trong ngành Du lịch.
Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đón khách du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch.
Nguồn: Báo xây dựng