Quảng Trị: Nỗi lo sạt lở bờ sông Thạch Hãn

(Xây dựng) – Cứ mỗi mùa mưa lũ đến, nhiều gia đình sinh sống gần hai bên bờ sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) lại thấp thỏm lo âu, bởi cảnh tượng dòng nước lũ dâng cao, cuồn cuộn, cuốn trôi hàng mét đất vườn, đất ở, có lúc cuốn luôn cả nhà cửa, sinh mạng con người theo dòng nước lũ xiết luôn là nỗi ám ảnh với họ.

Quảng Trị: Nỗi lo sạt lở bờ sông Thạch Hãn
Đoạn sạt lở bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị.

Đến cận bờ sông khoảng vài trăm mét, xe ôtô không thể đi tiếp được bởi đường dẫn vào các hộ gia đình ở cạnh bờ sông Thạch Hãn chỉ vừa đủ cho xe máy và người đi bộ. Chúng tôi đã len lỏi theo con đường nhỏ vào nhà anh Hồ Lữ, thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Nhà anh Lữ ở bờ Bắc sông Thạch Hãn, ngôi nhà xây bán kiên cố của gia đình anh nằm cách bờ sông khoảng chừng 4 đến 5 mét.

Khi anh Lữ dẫn mọi người đến mép bờ sông, tôi không khỏi bàng hoàng, bởi trước mắt tôi là một đoạn bờ sông dựng đứng, dấu vết sạt lở của các mùa mưa lũ trước đang còn hiển hiện. Anh Lữ tâm sự: “Cách đây 30 năm khi tôi đến dựng ngôi nhà lên đây, thì bờ sông cách nhà tôi trên 20m, nhưng giờ đây bờ sông chỉ cách nhà tôi có vài mét”. Rồi anh nói với tôi trong lo lắng, “nếu cứ như thế này, thì có trận mưa lũ lớn không biết số phận ngôi nhà của tôi về đâu!”.

Ở thôn Trà Liên Tây còn có khoảng trên 10 hộ gia đình đang sinh sống cận bờ sông tương tự như hộ anh Lữ. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong thông tin thêm, thôn Trà Liên Tây có khoảng 3.000m bờ sông bị sạt lở chưa được đầu tư, trong đó có 300m thuộc đoạn xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao.

Sông Thạch Hãn có lưu vực khoảng 2.660km2 ở các huyện: Triệu Phong, Gio Linh, Đăkrông, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà. Dân số sinh sống trên lưu vực sông này khoảng 370.000 người, chiếm 50% dân số toàn tỉnh. Con sông này có độ dốc lớn từ Tây sang Đông. Lưu tốc dòng chảy lớn kết hợp với thiên tai diễn ra dồn dập cả về tần suất và cường độ làm cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9 – 11 hàng năm.

Nhiều năm qua, lũ lụt đã cuốn đi hàng nghìn mét đất, gây ra bao nhiêu thiệt hại cho người dân, có vụ dòng lũ đã cướp đi cả sinh mạng thương tâm. Còn nhớ giữa tháng 10/2022, một đợt mưa lũ lớn làm cho bờ sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Do ở gần bờ sông tại điểm sạt lở nên khu vực trung tâm chợ Như Lệ, xã Hải Lệ đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Hoàng và đường Điện Biên Phủ đã xảy ra sụt lún, sạt lở bờ sông, làm 1 người chết, sập 3 nhà dân và 2 quán kinh doanh… Đến tận bây giờ, người dân nơi đây chưa hết bàng hoàng, xót xa về trận lũ ấy.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cho biết thêm: Từ năm 2018 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh này đã dành hàng trăm tỷ đồng để đầu tư chống sạt lở hai bên bờ sông Thạch Hãn, tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên còn nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng dọc hai bên bờ sông này, nhất những đoạn đi qua địa phận huyện Triệu Phong chưa được đầu tư, gia cố để chống sạt lở.

Đơn cử như đoạn sạt lở qua các xã Triệu Giang, Triệu Thượng, chiều dài 3.500m; đoạn qua thôn 5, xã Triệu Thuận, chiều dài 1.200m; đoạn qua Triệu Thành, Triệu Giang, có chiều dài gần 2.000m… Các đoạn này tuy đã được huyện Triệu Phong có văn bản đề xuất với các tổ chức, ban, ngành liên quan bố trí vốn đầu tư, nhưng nay vẫn chưa được triển khai.

Một mùa mưa lũ nữa đã đến, cảnh báo về sạt lở bờ sông, nhất là những đoạn xung yếu, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp chống sạt lở bờ sông, tuy nhiên, nguồn lực tỉnh không đủ, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương; trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương hàng năm phân bổ còn hạn chế và chưa thực sự kịp thời dẫn đến việc đầu tư nâng cấp sửa chữa chưa đồng bộ, chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt, chưa thể đầu tư mang tính bền vững về lâu dài.

Hơn bao giờ hết, việc chống sạt lở bờ sông, bảo vệ an toàn tính mạng, đất đai và của cải người dân dọc hai bên sông trên địa bàn Quảng Trị nói chung, sông Thạch Hãn nói riêng là rất cấp bách, mà những giải pháp thiết thực không riêng gì của tỉnh Quảng Trị, mà cả Trung ương và các Bộ, ngành liên quan.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích