Quảng Trị: Mô hình điện mặt trời mái nhà rơi vào tình cảnh “khóc dở mếu dở”

(Xây dựng) – Gần đây, mô hình điện mặt trời mái nhà liên tục bị cắt giảm thời gian bán điện làm cho nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không khỏi lo lắng, “khóc dở mếu dở”. Nguyên nhân, thu không đủ bù chi khiến nguy cơ thua lỗ từ mô hình điện mặt trời mái nhà là hiện hữu.

quang tri mo hinh dien mat troi mai nha roi vao tinh canh khoc do meu do
Điện mặt trời mái nhà ở địa bàn xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Trị, hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 150 dự án điện mặt trời mái nhà, bao gồm: Mái nhà xưởng, các trang trại nông nghiệp, công trình nhà ở… Quy mô công suất từ 100-1.250kWp, tổng công suất là 99,874MWp. Trong đó, hệ thống điện mặt trời lắp trên mái của công trình trang trại nông nghiệp đến 79 hệ thống với tổng công suất 73,303MWp.

Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị khẳng định: Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà không chỉ giảm chi phí sử dụng tiền điện, mà còn bán điện trở lại cho ngành Điện; đóng góp sản lượng điện đáng kể để giải quyết vấn đề thiếu điện của hệ thống điện quốc gia. Phát huy được tiềm năng và nguồn lực của địa phương; giải quyết việc làm cho nhân dân tại địa phương.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà có chi phí lắp đặt ngày càng rẻ, cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp ngày càng dễ tiếp cận hơn, công nghệ sản xuất pin mặt trời ngày càng được cải tiến giúp giảm giá thành đầu tư qua từng năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ trên diện rộng. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh, dẫn đến tình trạng mất cân bằng của hệ thống điện, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện quốc gia. Thực hiện Văn bản số 736/BCT-ĐTĐL ngày 5/02/2021 của Bộ Công Thương và kế hoạch huy động nguồn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, không xảy ra sự cố, Công ty Điện lực Quảng Trị phải thực hiện giảm huy động nguồn điện mặt trời mái nhà của các nhà đầu tư trong tỉnh.

Từ việc cắt giảm huy động nguồn điện mặt trời mái nhà nói trên, nhiều doanh nghiệp hết sức lo lắng đến việc trả vốn vay và lãi cho ngân hàng, vì phần lớn các dự án điện mặt trời mái nhà chủ yếu là vay ngân hàng. Theo đó, các doanh nghiệp mở tài khoản thu tiền điện tại ngân hàng cho vay, hàng tháng ngân hàng thu lãi và gốc ngay tại tài khoản thu của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp rất vui mừng vì phần lớn hàng tháng sau khi trả lãi vay và gốc cho ngân hàng vẫn còn lời, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội – Chi nhánh Quảng Trị cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 28 doanh nghiệp vay vốn để đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà, bình quân mỗi doanh nghiệp vay từ 8-9 tỷ đồng, thời gian vay tối đa không quá 7 năm, hàng tháng trả lãi và gốc thông qua tài khoản thu tiền điện của các doanh nghiệp. Trong thời gian đầu, tổng thu tiền điện mặt trời mái nhà của các doanh nghiệp rất khả quan, sau khi trả lãi và một phần tiền gốc, mỗi doanh nghiệp có lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, đồng thời ngân hàng còn giữ lại 5% để dành trả thêm cho những tháng mưa, nắng ít. Tuy nhiên, sau khi thực hiện cắt giảm thời gian bán điện, các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi.

Theo các doanh nghiệp, trong những tháng thực hiện cắt giảm thời gian bán điện, bình quân cứ 1MW điện mặt trời mái nhà phải chịu lỗ đến gần 20 triệu đồng. Trước những khó khăn nêu trên, chủ đầu tư dự án điện mặt trời đã phản ánh, đề nghị các cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ phù hợp. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN và A0 tính toán, công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, đồng thời dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà.

Được biết, hiện tại ngành Điện lực đã có sự điều chỉnh về việc cắt giảm giờ mua điện mặt trời mái nhà, đó là giảm thời gian gian cắt giảm bán điện mặt trời mái nhà, cụ thể trước đây một tuần cắt 2 đến 3 ngày, nay giảm xuống còn 2 tuần 1 lần. Dù vậy, nhưng hiện nay nhiều tỉnh đang vào mùa mưa, nắng ít, nhất là các tỉnh ở phía Bắc và Trung bộ, vì thế các doanh nghiệp không tránh được tình trạng thu tiền điện mặt trời mái nhà không đủ bù chi trong nhiều tháng tới là điều không thể tránh khỏi.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích