Quảng Trị: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê
(Xây dựng) – Những ngày này, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 – 29/10/2023).
Cắt băng khánh thành Nhà lưu niệm Đại tướng Đoàn Khuê. |
Ngày 26/10, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khánh thành Nhà lưu niệm Đại tướng Đoàn Khuê. Công trình được xây dựng trong khuôn viên đất của gia đình Đại tướng ở thôn 1, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Tổng mức đầu tư xây dựng là 9 tỷ đồng trên diện tích khoảng 1.000m2, được thiết kế 1 tầng, tổng chiều cao xây dựng 7,62m, chiều rộng mặt tiền dài 13,8m.
Kiến trúc Nhà lưu niệm theo hình thức nhà ở truyền thống vùng Trung bộ với kiểu nhà “ba gian hai chái” gồm 3 gian giữa và 2 gian bên, từ nguồn vốn hỗ trợ của các đơn vị: Cục Tuyên huấn – Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, vốn địa phương và gia đình.
Ngày 27/10, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Trị, thành phố Đông Hà đã diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê.
Đồng chí Đoàn Khuê – Bí danh Võ Tiến Trình, sinh ngày 29/10/1923 tại làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đại tướng Đoàn Khuê – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.
Năm 1930, lúc mới 16 tuổi, Đoàn Khuê đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế, sau đó làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc huyện Triệu Phong. Cuối năm 1940, đồng chí bị địch bắt giam ở nhà lao Quảng Trị, sau đó bị đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột. Tháng 5/1945, ra tù, đồng chí về hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng tỉnh Quảng Bình. Tháng 6/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau đó liên tục trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí chiến đấu và chỉ huy chiến trường Khu 5. Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5. Năm 1986, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Từ 1987-1991, đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn 1991-1997, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng, trên cương vị đứng đầu Ban chỉ đạo, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự thành công của các công trình: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học; tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – thắng lợi và bài học; chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 – thắng lợi và bài học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bộ sách được nhiều học giả và bạn đọc đánh giá cao.
Đại tướng Đoàn Khuê đã hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều chiến trường, trong đó có hơn 40 năm gắn bó máu thịt với sự nghiệp giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đánh giá công lao của đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính Đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
Cũng trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng về Đại tướng Đoàn Khuê, với chủ đề “Đại tướng Đoàn Khuê – Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị” .
Hội thảo mang tầm quy mô cấp Bộ Quốc phòng, với sự tham dự hơn 500 đại biểu, cùng với 90 bài tham luận của các tướng lĩnh, các nhà khoa học quân sự, các nhà nghiên cứu trong cả nước.
Nội dung chính của hội thảo gồm 3 phần, trong đó khẳng định truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Trị – nơi sinh thành của Đại tướng Đoàn Khuê; nghiên cứu, làm rõ về quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng; vai trò và những cống hiến to lớn của Đại tướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng, bảo vệ cách mạng Việt Nam; làm sâu sắc thêm những giá trị và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng.
Nguồn: Báo xây dựng