Quảng Trị: Khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
Quảng Trị: Khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
Quảng Trị có trữ lượng khoáng sản phong phú về chủng loại và được phân bổ trên khắp các địa bàn trong tỉnh.
Kiểm tra hoạt động khai thác đá tại khu vực Mỏ đá khối A – Tân Lâm, huyện Cam Lộ – Ảnh: N.B |
Theo kết quả điều tra toàn tỉnh hiện có 220 mỏ, khu mỏ khoáng sản, điểm quặng thuộc các loại khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng nhưng chủ yếu là vàng, titan, cắt trắng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng… Để thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, chính sách khai thác, sử dụng và bảo vệ khoáng sản. Trong quá trình hoạt động, các đơn vị, doanh nghiệp đã chấp hành các quy định của giấy phép khai thác khoáng sản, quy định của pháp luật về khoáng sản như khai thác trong diện tích được cấp phép, giám sát môi trường định kỳ, báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản.
Đồng thời tùy theo loại hình và quy mô, chủ dự án khai thác khoáng sản đã có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện BVMT như lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT hoặc tương đương. Ký quỹ cải tạo môi trường tại quỹ BVMT. Nộp phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Tổ chức hoàn thổ khu vực sau khai thác; quản lý, xử lý bãi thải, trồng cây xanh; đo vẽ bản đồ hiện trạng cải tạo, phục hồi môi trường. Chỉ tính riêng năm 2020, các đơn vị, DN đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 71,3 tỉ đồng, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền 10,7 tỉ đồng, ký quỹ phục hồi môi trường với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 760 lao động địa phương. Mỏ đá khối A-Tân Lâm được UBND tỉnh cấp phép cho 4 DN khai thác từ tháng 7/2012, thời hạn cấp phép là 10 năm.
Trong đó, Liên danh Công ty Cổ phần Thiên Tân và Công ty Cổ phần Tân Hưng có diện tích khai thác 7,49 ha, công suất khai thác 150.000 m3 đá nguyên khối/năm; Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông và Công ty TNHH Minh Hưng có diện tích khai thác 5,85 ha, công suất khai thác 125.000 m3 đá nguyên khối/năm. Sau khi mỏ đá được cấp phép, các DN đã tổ chức khai thác, đáp ứng đủ sản lượng đá các loại cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức khai thác đảm bảo đúng quy định của pháp luật và an toàn lao động; thực hiện nghiêm túc công tác BVMT, nộp đầy đủ các khoản thuế cho nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Mỏ đá khối A-Tân Lâm, huyện Cam Lộ – Ảnh: N.B |
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản, Sở TN&MT đã đổi mới hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT, đặc biệt là đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tập trung rà soát việc khắc phục các vi phạm, tồn tại của các đơn vị, tổ chức được thanh tra qua các năm. Tổ chức tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cộng đồng, từ đó tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý sai phạm (nếu có) của các đơn vị, DN khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản.
Đặc biệt tập trung rà soát, chấn chỉnh các hoạt động cải tạo phục hồi môi trường tại các dự án đã và đang hoạt động nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh. Qua kiểm tra, nhìn chung quá trình khai thác khoáng sản các chủ dự án đã thực hiện khá tốt các nội dung đã cam kết. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại đáng quan tâm về môi trường như việc cải tạo, phục hồi môi trường trong các dự án khai thác titan chưa đạt yêu cầu; việc hoàn thổ, xử lý bãi thải còn chậm; việc khai thác và chế biến đá xây dựng khó xử lý triệt để bụi phát tán vào môi trường; quá trình vận chuyển khoáng sản gây tác động đến môi trường; khai thác cát, sỏi lòng sông không đúng quy trình có nguy cơ gây xói lở…
Khai thác cát sỏi ở sông Thạch Hãn – Ảnh: N.K |
Đánh giá về quá trình hoạt động khai thác khoáng sản gắn với BVMT trong thời gian qua và kế hoạch quản lý trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nam cho biết: “Nhìn chung, các đơn vị, DN được cấp phép khai thác khoáng sản đã cơ bản tuân thủ các quy định về khai thác và BVMT.
Các DN đã khai thác đúng điểm mỏ, đảm bảo quy trình khai thác, thực hiện hoàn thổ… tuy nhiên ở một số nơi vẫn còn tồn tại các vấn đề môi trường. Chính vì thế trong thời gian tới sở sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động số 52 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 13/11/2012 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đẩy mạnh phối hợp với các ngành, UBND các huyện rà soát, đề xuất UBND tỉnh khoanh định khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước. Phối hợp với các sở, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Đồng thời, khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước trên địa bàn; đề xuất các giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, tài nguyên nước. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về BVMT trong khai thác khoáng sản để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của những đơn vị, cá nhân, DN, người dân có liên quan”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị