Quảng Trị: Giải pháp thu gom, phân loại và xử lý CTR tại đảo Cồn Cỏ
Quảng Trị: Giải pháp thu gom, phân loại và xử lý CTR tại đảo Cồn Cỏ
Hiện nay trên đảo Cồn Cỏ, lượng rác phát sinh khoảng 0,01 tấn/ngày. Khu vực dân sinh, cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang và các công trình xây dựng chủ yếu tập trung tại một nơi, do đó phát sinh lượng chất thải rắn khá lớn.
Việc quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý hiện đang là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn hiện nay. Đối với địa phương đặc thù như đảo Cồn Cỏ, để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình thu gom, phân loại, xử lý CTRSH, rất cần sự chung tay đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng và đặc biệt là ý thức của người dân sinh sống trên đảo cũng như khách du lịch đến huyện đảo.
Trong khuôn khổ hội nghị phổ biến mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn, phát huy các mô hình sẵn có, điển hình tại Việt Nam do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với UBND huyện đảo Cồn Cỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức tại huyện đảo Cồn Cỏ vào cuối tháng 8 vừa qua, vấn đề được quan tâm là mô hình thu gom, phân loại, xử lý CTRSH tại huyện đảo. Đây được coi là giải pháp tích cực nhằm góp phần xử lý hiệu quả lượng CTRSH, giữ cho môi trường trên đảo xanh, sạch, đẹp.
Hiện nay trên đảo Cồn Cỏ, lượng rác phát sinh khoảng 0,01 tấn/ngày. Khu vực dân sinh, cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang và các công trình xây dựng chủ yếu tập trung tại một nơi, do đó phát sinh lượng chất thải rắn khá lớn.
Tuy rác thải đã được đội vệ sinh môi trường thu gom định kỳ và vận chuyển về nơi tập trung đúng quy định, thế nhưng công tác xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải rắn thì vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2023, số lượng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên đảo Cồn Cỏ là 36 tấn. Rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt tại lò đốt rác tập trung.
Đây là nguồn phát sinh các khí thải độc hại và mùi hôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Mặt khác, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở đảo còn nhiều hạn chế như rác thải chưa được phân loại tại nguồn, tỉ lệ rác thải nhựa chiếm tỉ trọng lớn gây khó khăn cho quá trình xử lý. Bên cạnh đó, rác thải tại một số nơi công cộng, điểm tham quan vào mùa du lịch chưa được thu gom triệt để, rác thải bãi biển phát sinh với khối lượng lớn, tần suất thu gom còn ít.
Xác định công tác bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ gìn cho đảo xanh, sạch, đẹp, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã ban hành quy chế bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.
Năm 2009, huyện thành lập tổ vệ sinh môi trường thuộc Ban Quản lý Cảng cá đảo Cồn Cỏ (nay là Trung tâm Dịch vụ và Du lịch huyện). Đến năm 2016, huyện đảo đã đầu tư xây dựng khu xử lý rác tập trung từ nguồn vốn của quỹ bảo vệ môi trường. Từ năm 2017, huyện triển khai mô hình đoạn bờ biển tự quản, giao cho các cơ quan, đơn vị chủ động làm vệ sinh, giữ sạch bờ biển.
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong những năm gần đây được địa phương đặc biệt quan tâm. Năm 2023, huyện đảo đã tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam gắn với đẩy mạnh phong trào vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải.
Tại hội nghị phổ biến mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn, phát huy các mô hình sẵn có, điển hình tại Việt Nam, các đơn vị đã đề xuất mô hình thu gom, phân loại, xử lý CTRSH tại đảo Cồn Cỏ bao gồm các công đoạn: phân loại rác tại hộ gia đình, tận dụng chất thải thực phẩm làm phân compost, sản xuất khí gas sinh học hộ gia đình; tái chế rác thải nhựa và quy trình đốt chất thải vô cơ, chất thải không tái chế được.
Theo đó, đối với công đoạn phân loại rác thải tại hộ gia đình, mô hình hướng dẫn người dân có thói quen phân loại rác thải đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, vải, đồ da, đồ gỗ, thủy tinh, cao su thiết bị điện tử. Chất thải thực phẩm gồm rau củ quả hỏng, thực phẩm sau sơ chế, thực phẩm thừa… sẽ được tận dụng làm phân compost.
Để các hộ dân biết cách sản xuất khí gas sinh học tại hộ gia đình, mô hình đã hướng dẫn người dân tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm là rác thải từ thực phẩm, hoa quả, rau củ quả, thức ăn, thịt cá… thừa sau khi ăn uống hoặc trong quá trình chế biến, đồ uống thừa như bia, rượu, nước ngọt…
Hướng dẫn người dân cách chế tạo bể biogas xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình có dạng hình trụ khối, kín, hai đầu có 2 cửa, một cửa nạp rác, một cửa thu phân hữu cơ lỏng, sử dụng bón phân trồng cây…
Để triển khai hiệu quả mô hình, cần sự đầu tư đồng bộ máy móc thiết bị, dụng cụ để thu gom, xử lý các loại chất thải đã phân loại. Tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về quy định phân loại CTRSH tại nguồn, phổ biến, hướng dẫn cho người dân cách phân loại CTRSH tại nguồn, cách ủ phân compost, tận dụng rác hữu cơ để làm biogas, tận dụng năng lượng để đun nấu tại các hộ gia đình.
Thực hiện mô hình phân loại, thu gom và xử lý CTRSH tại huyện đảo Cồn Cỏ không chỉ mang ý nghĩa về môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Mỗi một hành động nhỏ đều góp phần quan trọng để cùng chung tay bảo vệ môi trường trên đảo, giữ cho đảo xanh, sạch, đẹp để thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị