Quảng Trị: Dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng hoàn thành trên 9.000 căn nhà ở xã hội
(Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030″.
Khu công nghiệp Nam Đông Hà – Nơi có nhiều lao động làm việc. |
Kế hoạch được ban hành dựa trên việc thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030″; trên cơ sở Quyết định số 2935/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; ngày 6/7/2023.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị, khu vực nông thôn và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại…
Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thành khoảng 9.094 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 2.310 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 6.784 căn.
Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch đề ra một số giải pháp thực hiện như: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở; giải pháp về quy hoạch, phát triển quỹ đất; nâng cao năng lực phát triển nhà ở xã hội theo dự án; phát triển nhà ở xã hội theo Kế hoạch phát triển nhà ở; giải pháp về nguồn vốn và thuế; giải pháp phát triển thị trường bất động sản; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư…
Kế hoạch cũng đưa ra các giải pháp về nguồn vốn, đó là bố trí nguồn vốn hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, cho các chương trình mục tiêu về nhà ở. Huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội thông qua nhiều hình thức như: huy động vốn của doanh nghiệp, huy động từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn vốn hợp pháp khác, nhằm tạo lập hệ thống tài chính nhà ở vận hành ổn định, dài hạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
Triển khai Chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ và gói hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Nguồn: Báo xây dựng