Quảng Trị: Đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi

Quảng Trị: Đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi

Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 5.000 công trình khí sinh học và hàng trăm mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường

Theo số liệu thống kê hiện nay toàn tỉnh Quảng Trị có 59 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. An toàn sinh học đối với các cơ sở chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi. Huyện Cam Lộ là địa phương luôn chú trọng triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

Với đàn đại gia súc hơn 6.770 con, đàn lợn 25.400 con, gia cầm trên 350.000 con, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương, đơn vị liên quan tích cực phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại có quy mô lớn, điểm trung chuyển gia súc, khu vực buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, gia súc tại các chợ; ổ dịch cũ, khu vực tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, cơ sở ấp nở gia cầm…

Ngoài ra, tuyên truyền hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh bằng cách rải vôi, quét dọn, thu gom chất thải, chất độn chuồng trại để đốt hoặc chôn nhằm chủ động tiêu diệt các mầm bệnh nguy hiểm xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn một số lượng lớn chăn nuôi có quy mô nông hộ nhỏ lẻ (khoảng 68.000 hộ chăn nuôi). Chuồng trại chăn nuôi thường được người dân bố trí ngay trên diện tích đất sinh hoạt chung của gia đình nên đã gây tác động lớn đến môi trường xung quanh, phát sinh dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

tm-img-alt
Một trang trại chăn nuôi gà bằng công nghệ sinh học. Ảnh minh họa

Theo số liệu điều tra đến tháng 10/2022, tỉ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường chiếm 41,58%, tương đương 42/101 xã. Bằng nguồn vốn từ các tổ chức, chương trình dự án như Tầm nhìn Thế giới, Chương trình khí sinh học Trung ương…và nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương, các hộ gia đình khu vực nông thôn đã xây dựng các hầm biogas bằng vật liệu composite để xử lý chất thải chăn nuôi theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm (Nhà nước: 40%; Nhân dân: 60%).

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.000 công trình khí sinh học và hàng trăm mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, tận thu khí CH4 phục vụ cho đun nấu, phát điện, sưởi ấm, góp phần giảm khí thải nhà kính. Mô hình đã và đang mang lại hiệu quả đối với quy mô chăn nuôi hộ gia đình, tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, tận thu khí sinh học phục vụ cho đun nấu, phát điện, sưởi ấm vật nuôi.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành “Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và quy hoạch vùng nuôi chim yến”, “Quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung” để các địa phương chủ động trong việc rà soát, bổ sung quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

Tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư trong chăn nuôi theo hướng hình thành vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Bảo vệ môi trường nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về chăn nuôi của địa phương.

Ngọc Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích