Quảng Ninh: Vui buồn… những câu chuyện nhanh, chậm

(Xây dựng) – Sự thất thường của thời tiết khiến con người có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, sự thất thường của việc điều chỉnh quy hoạch, cấp phép dự án có thể là cả một vấn đề nghiêm trọng tác động tới kinh tế – xã hội – môi trường. Đó là câu chuyện tại Quảng Ninh mà chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc như sau.

quang ninh vui buon nhung cau chuyen nhanh cham
Khu rừng, đồi Cột 5 – Cột 8 của thành phố Hạ Long đang trở thành Dự án sân golf – Hạ Long của Tập đoàn FLC.

Rừng ơi! Còn không?

Ai cũng biết, rừng phòng hộ có tác dụng hạn chế lũ, lụt, xói mòn, lở đất, điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm môi trường… không những thế, rừng phòng hộ còn là một “bảo tàng” về nhiều loại thực động vật và còn là bức tranh nền tạo nên toàn cảnh giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Và đặc biệt nó còn là khẩu hiệu, là tiêu chí, là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh này với “giấc mơ” dịch chuyển cơ cấu từ “nâu sang xanh”.

Biết là vậy, nhưng theo Báo cáo 1869 của thành phố Hạ Long thì tổng số đất rừng của thành phố này được điều chỉnh cho các dự án như sau: Điều chuyển ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng là 129,19ha; Điều chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất là 342,3ha; Điều chuyển từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất là 285,4ha; Điều chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng là 5.404ha.

Đó là chưa thể thống kê có bao nhiêu diện tích rừng ngập mặn đã vô cùng hiếm hoi giờ đang phải nhường chỗ cho những dự án lấp biển?

Có nghĩa là rừng phòng hộ và rừng nói chung ở thành phố Hạ Long sẽ nhường chỗ cho các dự án kinh tế trong nay, mai?! Như vậy “bài toán” nâu sang xanh hay xanh sang nâu cần phải có lời giải lại?

Những cây xanh, những quả đồi đã tồn tại từ hàng triệu năm, các lớp địa tầng đã ổn định… sẽ dần nhường chỗ cho những dự án. Rồi đây, kinh tế trong vùng sẽ bứt phá, phát triển bởi những dự án mang lại. Nhưng, đồng tiền có thể vung ra mua lại môi trường được không?

quang ninh vui buon nhung cau chuyen nhanh cham
Xót xa cảnh rừng đang biến từ “xanh” sang “nâu”?

Những quy hoạch kiểu bất ngờ?

Lại đánh đùng một cái! Tháng 8 năm 2019 Quảng Ninh cho phép Tập đoàn FLC khởi công Khu đô thị đại học FLC Quảng Ninh – một tổ hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và vui chơi giải trí quy mô 620ha mà Tập đoàn FLC đang nghiên cứu đầu tư tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Điều đáng nói là trên diện tích 620ha rất lớn này là rừng, là khu dân cư và các công trình công nghiệp khác. Trong khi người ta thừa biết bên dưới là tài nguyên than đã được quy hoạch cho một số mỏ đang chuẩn bị khai thác. Trước tình hình đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã phải có văn bản lên tiếng để bảo vệ quyền khai thác tài nguyên cho mình.

Cũng may, đây chỉ là dự án “cờ giong, trống mở” sau đó lại được hủy bỏ để tìm nơi khác?

quang ninh vui buon nhung cau chuyen nhanh cham
Một trong những “lá phổi” của Khu du lịch Bãi Cháy – đồi Hải Quân (thuộc phường Bãi Cháy) cũng đang được san gạt làm dự án?

Cũng tại thành phố Móng Cái, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã gắn bó xây dựng, đóng góp sức mình để xây dựng từ một thị xã lên thành phố tầm cỡ. Họ thuê đất tại phường Ninh Dương, Móng Cái những 50 năm để kinh doanh. Đến năm được duyệt điều chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng mới năm 2016 – năm 2017 chưa ráo mực lại “đánh đùng một cái” nữa, người ta xoay 180 độ hủy quy hoạch cũ sang quy hoạch mới nhằm thu hồi đất cho FLC xây dựng, kinh doanh bất động sản?

Có ý kiến cho rằng cứ quy hoạch tùy tiện kiểu “cá lớn ăn thịt cá bé” như thế này tạo ra một tâm lý nản chí, sụp đổ niềm tin của các nhà đầu tư đối với địa phương.

Khổ như dân…

Trong khi những “thảo dân” như ông bà Nguyễn Văn Kiệt, phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long đã gần 90 tuổi, cái tuổi gần đất, xa trời… mong mỏi ngày đêm sao cho thực hiện cái quyền “thiêng liêng” mà pháp luật cho phép là chia tách thửa đất để cho tặng các con. Tuy nhiên “một rừng” văn bản như cái Quyết định số 39 ban hành ngày 29/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh được cho là rào cản “bền vững” khiến cụ Kiệt đã yếu càng thêm choáng váng. Chính vì vậy mà UBND thành phố Hạ Long như ngồi trên đống lửa phải gửi ngay 02 văn bản 5835 ngày 2/7/2021 và 4260 ngày 3/6/2022 nhưng cũng chưa giải quyết được vấn đề gì. Sau một hồi gõ cửa các cơ quan và gần đây nhất, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố ra Văn bản 923 trả lời Đơn của ông Kiệt một cách ráo hoảnh kiểu… không bao giờ chia tách được thửa đất bởi trong quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050 khu đất của ông Kiệt không có chỗ nào dành cho đất giao thông (khi chia tách thửa đất, chủ đất phải dành ra ngõ đi chung cho các thửa theo quy định). Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Hạ Long cho biết, bởi các văn bản hướng dẫn đã đi xa so với Luật nên hiện nay Văn phòng đang ách tắc hàng trăm bộ hồ sơ của dân. Và đây cũng là tình trạng chung trong các huyện, thị tại Quảng Ninh khi Quyết định 39 của UBND tỉnh ra đời.

quang ninh vui buon nhung cau chuyen nhanh cham
Báo cáo đánh giá tác động môi trường là thế này đây? Khi núi rừng “nổi giận” thì thảm họa là như thế này đây!

Ô hay! Nếu cứ theo cách trả lời như vậy thì nhiều người dân Hạ Long chỉ có thể tách thửa đất để cho tặng con cháu ở cõi âm hay sao?

Có lẽ, sự khó khăn này nảy sinh ra nhiều tiêu cực nên có một người dân tên là Lê Thị Mai đã cáo buộc một ông Phó Chủ tịch địa chính của một phường tại thành phố Hạ Long tên là Lưu Văn B. đã hai lần nhận hối lộ với số tiền là 50 triệu đồng để làm bìa đỏ. “Nuốt không trôi” ông B. đã khôn khéo trả lại 20 triệu đồng còn gói 30 triệu đồng trả lại tổ chức, tuy nhiên theo lời Chủ tịch phường cho rằng đã quá thời hiệu. Sự việc đã được phóng viên chuyển cho cơ quan chức năng để điều tra.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích