Quảng Ninh: Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi “ế” phòng học
(Xây dựng) – Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi “ế” phòng học đã 3 năm nay. Kỳ lạ là, trước nay chỉ nghe nói nơi này thiếu phòng học, nơi kia phải thuê nhà dân làm phòng học tạm… chưa từng nghe một nhà trường khang trang mà lại “ế” phòng học.
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi “ế” phòng học đã 3 năm nay. |
Cụ thể, trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi thuộc hệ tư thục, thành lập vào ngày 22/6/2006, ở xã Tiên Lãng (nằm sát thị trấn), huyện Tiên Yên, với diện tích 3,7ha, quy mô 32 lớp, 1.440 học sinh với 18 phòng học văn hóa và các phòng chức năng. Năm 2018, Quảng Ninh có đề án cơ cấu lại hệ thống giáo dục phổ thông ở huyện Tiên Yên theo hướng dồn dịch, sắp xếp, quy hoạch lại quỹ đất sử dụng trong các trường học để xây dựng trường sở khang trang, đưa sự nghiệp giáo dục ngang hàng với thành tựu phát triển kinh tế ở địa phương.
Ngày 8/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 896/QĐ-UBND thuê cơ sở vật chất của nhà trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi với diện tích xây dựng 4.797m2, theo phương thức đầu tư tư quản lý công (PPP), để đưa trường Trung học phổ thông Tiên Yên ở cách đó gần 1.000m về đây giảng dạy, học tập. Mục đích là để hợp thửa 2.900m2 đất của trường Trung học cơ sở Tiên Yên và 7.500m2 đất của trường Trung học phổ thông Tiên Yên làm một, thành 10.400m2 đất dành cho trường Trung học cơ sở Tiên Yên mở rộng không gian sư phạm, xây dựng trường sở khang trang, hiện đại.
Trước đó (2018), trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện Tiên Yên… đã chuẩn bị kỹ trường sở, đầu tư 24 tỷ đồng nâng cấp khuôn viên nhà trường và các hạng mục. Các hạng mục xây dựng đạt Tiêu chuẩn Việt Nam 8794: 2011(TCVN), nhà trường còn đầu tư gần 10 tỷ đồng trang sắm 6 xe ôtô đưa đón học sinh đến lớp.
Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh không chỉ có giá trị quy hoạch sử dụng quỹ đất hợp lý cho nhà trường ở huyện Tiên Yên, còn là bài toán kinh tế phù hợp với phương châm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách xây dựng trường sở. Cụ thể, thời hạn thuê trong 30 năm, thuê tài sản gồm các hạng mục xây dựng đáp ứng cho một trường học khang trang với diện tích xây dựng 4.797m2. Trong 10 năm đầu giá thuê ổn định là 2,281 tỷ đồng/năm, chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm du tu, bảo dưỡng công trình xây dựng, trang sắm dụng cụ giảng đường. Trong khi trường Trung học phổ thông Tiên Yên mỗi năm ngân sách Nhà nước phải cấp 1,5 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa… mà vẫn hoàn trường cũ, không gian chật hẹp.
Rất tiếc, Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh không thực hiện được. Bởi khi di chuyển trường Trung học phổ thông Tiên Yên đến thuê phòng học ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi thì vấp phải sự phản đối của một số phụ huynh học sinh với nhiều lý do, nhưng nút thắt chính là khi ấy địa phương cũng rục rịch lập Đề án chuyển đổi trường Trung học phổ thông Tiên Yên sang mô hình tự chủ kinh tế, khiến đội ngũ giáo viên lo xa bị mất đi quyền lợi giáo chức. Một làn “sóng ngầm” chống đối Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra, khiến một chủ trương đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh phải tạm dừng đến nay đã là ba năm.
Ba năm với một doanh nghiệp bỏ ra 24 tỷ đồng, xây thêm 12 phòng học văn hóa, các phòng học chuyên dụng và trang sắm cơ sở giảng dạy đi kèm… các công trình đạt Tiêu chuẩn Việt Nam (8794:2011) bỏ không gây phí phạm tài sản xã hội, thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, còn cho thấy nghịch cảnh ở huyện Tiên Yên thừa phòng học nhưng thiếu học sinh Trung học phổ thông.
Sự bất cập thừa trường, thiếu trò chỉ xảy ra ở trường Nguyễn Trãi, vì Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh không được thực hiện. Còn thực tế thì Tiên Yên là huyện dân tộc, miền núi nghèo, trường sở còn thua kém các trường ở huyện thị bạn. Như trường Trung học phổ thông Tiên Yên thuộc nhóm trường Trung học phổ thông diện tích nhỏ nhất tỉnh, với 24 phòng học thì có 8 phòng học xây dựng năm 1970 và 6 phòng học xây dựng năm 1990, còn lại xây dựng năm 2002.
Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp – Giáo dục thường xuyên còn tồi tệ hơn. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trường này diện tích sử dụng 1.800m2 đất nguyên là đồn bốt thời quân Pháp chiếm đóng, còn là đất quốc phòng với 7 phòng học văn hóa diện tích nhỏ hẹp, không có diện tích dành cho nhà xưởng phục vụ dạy nghề, không đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Một trường hướng nghiệp mà không đáp ứng được các tiêu chí cần có về cơ sở vật chất với một trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Trước vấn đề nổi cộm về huyện Tiên Yên, tình trạng nơi thừa trường thiếu trò, nơi trường không ra trường, xưởng dạy nghề không ra xưởng dạy nghề, trường thì chen chúc nhau trên vạt đất nhỏ. Sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử Xây dựng về tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn hỏa tốc chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Yên ổn định các trường có cấp học Trung học phổ thông.
Một báo cáo việc sắp xếp các cơ sở giáo dục có cấp Trung học phổ thông ở huyện Tiên Yên có đề xuất ý kiến: Giải thể trường tư thục Nguyễn Trãi, tuy nhiên đã không được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đồng tình, bởi trái với chủ trương của Đảng, Chính phủ đang thực hiện công cuộc xóa dần bao cấp trong giáo dục, khuyến khích phát triển trường tư thục, huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo nhiều hình thức như đầu tư tư quản lý công trong giáo dục.
Trường THPT Nguyễn Trãi “ế” phòng học 3 năm nay, không phải không có cách tháo gỡ. Một giáo chức gạo cội có ý kiến rằng: Mỗi huyện có 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên nó như cái “cối xay tiền” ngân sách, học sinh vào học chỉ nhằm lấy được tấm bằng Trung học phổ thông, trường không nhà xưởng sao dạy được nghề? Trong khi trường tư thục Nguyễn Trãi cần xưởng to xưởng nhỏ là xuống tiền làm được ngay, trước mắt sao không gộp hai trường này làm một. Tỉnh Quảng Ninh không nên “buông trôi” Quyết định số 896/QĐ-UBND, nên xem xét những vấn đề tồn tại phát sinh từ cơ sở, để một quyết định đúng định hướng của Đảng này đi vào cuộc sống.
Đồng thời, đó cũng là cách gỡ thế bí cho trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi tránh phí phạm tài sản xã hội.
Nguồn: Báo xây dựng