Quảng Ninh: Thu giữ hơn 20.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Tại thành phố Móng Cái, Đội Quản lý thị trường số 1 chủ trì, phối hợp Đội Kiểm soát Hải quan số 2 phát hiện xe ô tô BKS 34C-349.18 do ông B.X.T lái xe (chủ hàng), địa chỉ xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, Hải Dương vận chuyển 20.240 con vịt con giống (khoảng 1-2 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ông B.T.X khai nhận mua số vịt giống trên tại thành phố Móng Cái về bán kiếm lời, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, Đội Quản lý thị trường số 1 báo cáo Cục Quản lý thị trường tỉnh, bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan tố tụng để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lượng lớn vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. (Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh)
Nói tới tình trạng nhập lậu giống vật nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, tình trạng này diễn ra hàng chục năm nay, đặc biệt là trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, chủ yếu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Hà Giang. Việc vận chuyển con giống nhập lậu theo rất nhiều cách, kể cả vận chuyển trứng sang Việt Nam để ấp.
Điều quan trọng nhất là khi nhập những đàn giống này sang Việt Nam, chúng ta không thể kiểm soát được an toàn dịch bệnh. Nguy cơ lây truyền dịch bệnh rất cao. Đặc biệt, cúm gia cầm vẫn diễn biến rất phức tạp ở cả thế giới và trong nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm mà còn ảnh hưởng về mặt môi trường và kinh tế – xã hội, tức là ảnh hưởng toàn diện.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13474-1:2022 quy trình khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi- Phần 1: Giống gia cầm
Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Theo đó, việc khảo nghiệm, kiểm định gia cầm được thực hiện tại cơ sở có đăng ký hoạt động khảo nghiệm, kiểm định. Quy trình chăn nuôi trong đó có chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc chăn nuôi giống gia cầm tuân thủ đúng quy trình của cơ sở cung cấp giống gia cầm kết hợp với quy trình của đơn vị khảo nghiệm, kiểm định đã công bố.
Thời gian khảo nghiệm tính từ khi bắt đầu đưa gia cầm vào khảo nghiệm đến khi kết thúc theo dõi được tất cả các chỉ tiêu đáp ứng yêu cầu của khảo nghiệm. Tuổi vào đẻ của đàn gia cầm được tính khi số gia cầm đẻ đạt tỷ lệ 5% so với tổng đàn. Giai đoạn gia cầm sinh sản đối với gà: 48 tuần đẻ; vịt hướng thịt: 42 tuần đẻ; vịt hướng trứng, vịt kiêm dụng, ngan, ngỗng, đà điểu: 52 tuần đẻ. Đối với khảo nghiệm gia cầm sinh sản, thời gian khảo nghiệm tính từ khi gia cầm sinh sản vào đẻ đến khi kết thúc 20 tuần đẻ. Thời gian kiểm định tính từ khi bắt đầu đưa gia cầm vào kiểm định đến khi kết thúc theo dõi được tất cả các chỉ tiêu cần kiểm định.
Số lượng gia cầm sinh sản đưa vào khảo nghiệm, kiểm định không ít hơn 200 con mái sinh sản (đối với ngỗng không ít hơn 100 con mái sinh sản, đối với đà điểu không ít hơn 50 con mái sinh sản). Số lượng gia cầm thương phẩm đưa vào khảo nghiệm, kiểm định không ít hơn 300 con 01 ngày tuổi (đối với ngỗng không ít hơn 100 con, đối với đà điểu không ít hơn 50 con) gồm 50 % con trống và 50 % con mái.
An Dương