Quảng Ninh tăng nguồn cung vật liệu san lấp hạ tầng bằng đất thải mỏ

Nan giải thừa đất thải mỏ, thiếu đất san lấp

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, hiện tổng diện tích các bãi thải mỏ là 2.700 ha với trữ lượng đất đá thải khoảng 1.362 triệu m3 và vẫn không ngừng tăng thêm khoảng 150 triệu m3 mỗi năm. Các bãi thải tập trung chủ yếu tại địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, thị xã Đông Triều, gây ra nhiều hệ lụy như chiếm dụng hàng nghìn ha đất để làm bãi thải, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. Cá biệt ở những bãi thải mỏ than có cao độ từ 200 – 300 m, có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân vào mùa mưa lũ.

Hằng năm, để giải quyết những tồn tại từ những bãi thải mỏ, ngành Than đã phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn (từ 1-1,5% chi phí sản xuất) để triển khai các dự án ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm môi trường, hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Tỉnh Quảng Ninh tìm ra phương pháp giải cơn “khát” vật liệu san lấp hạ tầng. (Ảnh sưu tầm)

Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh đang trong giai đoạn phát triển với nhiều dự án hạ tầng được triển khai đồng loạt. Dự kiến, tổng cộng nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 788 triệu m3, trung bình hơn 130 triệu m3/năm.

Điển hình là các dự án như: Khu đô thị phức hợp đô thị Hạ Long Xanh trên địa bàn thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long có tổng nhu cầu khối lượng vật liệu (đất, cát) san lấp khoảng 300 – 400 triệu m3. Tổ hợp cảng biển, Khu công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc tại thị xã Quảng Yên có nhu cầu khối lượng đất san nền khoảng 100 triệu m3 và hàng loạt các dự án hạ tầng, đô thị lớn khác tại thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Móng Cái, thị xã Quảng Yên, Khu kinh tế Vân Đồn… có nhu cầu sử dụng khối lượng vật liệu san lấp mặt bằng rất lớn.

Việc lấy đất để san lấp mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn cả về nguồn tài nguyên lẫn thủ tục cấp phép. Thống kê cho thấy, hiện có tới 18 thủ tục chính trong việc khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp hạ tầng. Cộng thêm, các khu vực nghiên cứu khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp mặt bằng đều là đất đồi rừng, đất quân sự, hoặc nằm gần các khu đô thị, khu du lịch, khu di tích… nên việc khai thác đất đồi sẽ tác động không nhỏ đến cảnh quan môi trường, du lịch, khu dân cư…

Chính tình trạng thiếu mỏ đất tôn nền, mà áp lực tiến độ thi công nhanh làm không ít nhà thầu “túng làm liều” đã mua đất trôi nổi hoặc vụng trộm khai thác đất cát đáp ứng công việc trước mắt.

Chính vì thế, chủ trương sử dụng nguồn đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng sẽ đạt được đa mục tiêu theo hướng tích cực góp phần giảm áp lực về diện tích bãi thải; giảm ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái… Cùng đó, giảm đáng kể chi phí xử lý đất đá thải mỏ và tăng hiệu quả kinh tế khai thác của ngành than trên địa bàn.

Giải “cơn khát” vật liệu xây dựng, lợi cả đôi đường

Theo ước tính, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng các dự án của tỉnh khoảng hơn 130 triệu m3/năm, riêng giai đoạn 2021- 2025 là gần 800 triệu m3, trong khi nguồn vật liệu san lấp mặt bằng truyền thống (mỏ đất) ngày một khan hiếm.

Cho nên, nếu xem đất đá thải mỏ than là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì theo Điều 45, Luật Bảo vệ môi trường 2014, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải. Nhà nước có chính sách khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, việc sử dụng đất đá thải mỏ là yêu cầu bức thiết của Quảng Ninh hiện nay, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; đồng thời giảm áp lực, hạ độ cao cho các bãi thải mỏ, đảm bảo môi trường.

Tỉnh trạng thiếu hụt vật liệu san lấp hạ tầng được cho là do việc triển khai đồng loạt các dự án tại Quảng Ninh (Ảnh sưu tầm)

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1079/CĐ-TTg, chỉ đạo việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; trong đó, có nội dung xem xét đề nghị sửa đổi quy định của Luật Khoáng sản coi đất đá thải mỏ, đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản.

Nếu được sửa đổi, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Quảng Ninh gỡ khó bài toán thiếu nghiêm trọng về vật liệu san lấp đối với các công trình xây dựng hạ tầng; đồng thời, giúp Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) giảm áp lực về diện tích bãi thải, giảm ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái… và đem lại hiệu quả về kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện Quảng Ninh đã lên các phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm nguồn vật liệu san lấp mặt bằng, vị trí, cung đường vận chuyển đối với từng dự án nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội. Dự kiến, các dự án tại thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long sẽ ưu tiên lấy đất đá tại các bãi thải Chính Bắc (mỏ Núi Béo), Hà Ráng, Bắc Bàng Danh (mỏ Hà Tu) và các bãi thải trong, ngoài mỏ Tân Lập.

Các dự án tại khu vực thành phố Cẩm Phả, Khu kinh tế Vân Đồn sẽ lấy đất đá tại bãi thải Đông Cao Sơn; dự án tại thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều sẽ được tận dụng khai thác từ các bãi thải mỏ tại Uông Bí, Đông Triều.

Hiện nay, do Luật Khoáng sản coi đất đá thải mỏ như là tài nguyên khoáng sản đi kèm than, nên việc quản lý nhà nước khá chặt chẽ. Do vậy, để sử dụng đất đá thải mỏ nói chung, phục vụ san lấp nói riêng phải thực hiện đầy đủ một loạt các thủ tục hành chính như: đánh giá trữ lượng, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án mỏ, lập hồ sơ xin cấp phép khai thác thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với thời gian thực hiện từ 1-1,5 năm. Trong khi, các dự án có niên độ từ 1-3 năm và điều này sẽ làm chậm tiến độ các dự án.

Từ những đề xuất được đề ra, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho Quảng Ninh khai thác trên 700.000 m3 đất đá thải mỏ của Công ty cổ phần Than Núi Béo làm vật liệu san lấp phục vụ dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích