Quảng Ninh: Tại sao xưởng băm dăm gỗ hoạt động lạc lõng trong KCN Cái Lân?

Sau phản ánh của bạn đọc, tòa soạn đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng nhưng không nhận được hồi âm. Theo nội dung đơn: KCN Cái Lân do Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng đất 227,3ha, ở vị trí trung tâm thành phố Hạ Long, mặt tiền bám bến cảng nước sâu Cái Lân, mặt hậu giáp đường QL18. Mới đây tỉnh Quảng Ninh còn mở tuyến đường 6 làn xe kết nối KCN này với đường Cao tốc Quảng Ninh-Hải Phòng.

KCN Cái Lân xây dựng từ năm 1997 nay vẫn như bãi chứa hàng tồn, sản xuất thì manh mún, không tập trung tạo thương hiệu hàng hóa cho KCN. Theo đó là các hệ lụy về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vi phạm trật tự xây dựng. Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương xốc lại KCN này và tái đầu tư theo hướng hội nhập nền kinh tế quốc tế và khu vực.  Song sự đổi mới chưa hanh thông, còn trì trệ từ cơ sở. Đơn cử, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương di chuyển các cơ sở sản xuất thủ công vào cụm công nghiệp địa phương, dành quĩ đất “vàng” này để lập Đề án nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và đổi mới vận hành với mục tiêu xây dựng KCN Cái Lân trở thành KCN kiểu mẫu về quản lý, có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội đồng bộ, công nghiệp sạch thân thiện môi trường, thu hút nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.

KCN Cái Lân xây dựng từ năm 1997 nay vẫn như bãi chứa hàng tồn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh sách các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn cần phải giải thể, theo lộ trình từ năm 2017 đến năm 2020 chấm dứt hoạt động vì lý do không phù hợp với qui hoạch theo văn bản số 2126/UBND-NLN2, ngày 03.04.2017 của UBND tỉnh, trong đó có 4 cơ sở sản xuất tại KCN Cái Lân. 4 cơ sở băm dăm gỗ ở KCN Cái Lân còn có lý do không phủ hợp với sự sắp xếp lại ngành nghề ở KCN này.

Trong 4 xưởng băm dăm gỗ nói trên, thì 3 xưởng đã nghiêm túc thực hiện đóng cửa dừng sản xuất, đi đầu là doanh nghiệp thành viên của Hội doanh nghiệp CCB. Họ đã nêu cao phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu chấp hành chính sách của Đảng bộ, chính quyền địa phương bỏ sản xuất nhỏ lẻ, dành quĩ đất cho mục tiêu lớn của tỉnh. Còn tự nhủ tỉnh thu hút được một doanh nghiệp như Nhà máy dầu thực vật Cái Lân, bằng cả trăm xưởng chế biến mộc thô.

Đoàn giám sát của Quốc hội và HĐND tỉnh Quảng Ninh từng thực tế kiểm tra chỉ ra những sai phạm ở KCN Cái Lân về môi trường.

Nhưng trái với sự hy sinh của các CCB, tại KCN Cái Lân vẫn còn xưởng băm dăm gỗ đã hết hạn hoạt động từ tháng 12.2020, vẫn ngang nhiên tổ chức sản xuất. Đó là Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân, qui mô băm dăm gỗ với sản lượng 15.000 m3/tháng, hàng ngày có từ 30-50 đầu xe chở gỗ ở đâu đó về đây chưa rõ, mà yêu cầu pháp lý khi thành lập xưởng băm dăm gỗ phải có nguồn nguyên liệu rõ ràng và ổn định.

Các CCB lên tiếng, ai là người tiếp tay cho Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân lộng hành như vậy? Một sự thiếu bình đẳng trong kinh doanh; và cố ý không thực hiện văn bản số 2126/UBND-NLN2, ngày 03.04.2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân đã hết hạn hoạt động từ tháng 12.2020, vẫn ngang nhiên tổ chức sản xuất trong KCN Cái Lân.

CCB đặt ra câu hỏi, nếu các doanh nghiệp đồng thanh đề nghị được tái mở xưởng băm dăm gỗ tại KCN Cái Lân thì Ban quản lý KCN tỉnh Quảng Ninh giải thích ra sao?

Nguyện vọng chính đáng của các CCB và các doanh nghiệp xin được gửi tời các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh. Mong rắng môi trường kinh doanh năng động và minh bạch của tỉnh Quảng Ninh trong nhiều năm qua sẽ luôn được giữ vững. Quảng Ninh luôn là đầu tàu kinh tế của khu vực Đông Bắc Bộ.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích