Quảng Ninh, Quảng Bình: 12/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, cần có những giải pháp lâu dài để tháo gỡ. Quan điểm của huyện là tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, đồng thời huy động mọi nguồn lực để giúp các địa phương tháo gỡ những “nút thắt” về đích NTM nâng cao. Tuy nhiên, bộ tiêu chí NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới và yêu cầu cao, rất khó thực hiện.

Xây dựng nông thôn mới là “quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Sau hơn 13 năm triển khai thực hiện, dù gặp nhiều khó khăn nhưng “bức tranh” NTM trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có những “gam màu sáng”. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, kinh tế -xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao.

Phong trào xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo các làng quê

Là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện Quảng Ninh đạt chuẩn NTM (năm 2014), xã Lương Ninh tiếp tục củng cố, nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt, đồng thời tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực nhằm xây dựng xã NTM nâng cao. 

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ đầu năm đến nay, Mặt trận các cấp huyện Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp vận động nhân dân đóng góp gần 6,7 tỷ đồng, 3.500 ngày công, hiến trên 2.578m2 đất, 48 cổng nhà, 1.385m tường rào, 250m2 mái che để xây dựng NTM, NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Tiêu biểu: Mặt trận xã An Ninh vận động nhân dân đóng góp trên 3,5 tỷ đồng; Mặt trận xã Hàm Ninh vận động nhân dân đóng góp gần 1,6 tỷ đồng, 840m2 đất, 228m tường rào, 170 ngày công; Mặt trận xã Vạn Ninh vận động nhân dân hiến 1.325m2 đất, 910m tường rào, 32 cổng nhà, 250m2 mái che, 180 ngày công…

Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình điểm: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các khu dân cư NTM, NTM kiểu mẫu”, “Hỗ trợ sinh kế giúp người dân bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, “Mô hình sinh kế nuôi gà kiến thả vườn, lợn bản địa tại bản Khe Dây, xã Trường Xuân”, “Khu dân cư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”, “Khu dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường… Từ đầu năm đến nay, đã có 3 khu dân cư được UBND huyện công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh chủ trương tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, huyện chú trọng khơi dậy sức dân, phát huy những cách làm chủ động, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.

Từ năm 2021 đến nay huyện Quảng Ninh đã huy động được hơn 393,6 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó ngân sách của huyện là hơn 280 tỷ đồng.

Cụ thể, trong tổng số 393,6 tỷ đồng huy động, ngân sách của huyện Quảng Ninh là hơn 280 tỷ đồng, ngân sách xã gần 52,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 58 tỷ đồng và gần 3 tỷ đồng từ các nguồn khác. Đến nay, toàn huyện đạt 243 tiêu chí xây dựng NTM, bình quân đạt 17,36 tiêu chí/xã, có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí, 5 xã đạt 15-18 tiêu chí; 15 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; 3 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới tại xã đặc biệt khó khăn và 5 vườn mẫu NTM được công nhận. 

Đối với Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, toàn huyện đạt 182 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 13 tiêu chí. Hiện, 2 xã Lương Ninh và Võ Ninh đã được UBND huyện thẩm tra, lập hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm định, xét công nhận đạt NTM nâng cao. Theo báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 của UBND huyện Quảng Ninh, 2 xã Lương Ninh và Võ Ninh đều đã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, với nhiều điểm đánh giá khá cao, các  tiêu chí, chỉ tiêu cơ bản đạt so với bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Cả hai xã đều đáp ứng các điều kiện đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, như đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, không có nợ xây dựng cơ bản, tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn 2 xã đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao đáp ứng yêu cầu theo quy định và không phức tạp về an ninh trật tự và đề nghị UBND tỉnh thẩm định, xét, công nhận xã Lương Ninh và xã Võ Ninh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Mô hình lúa hữu cơ đem lại năng suất, hiệu quả cao cho nông dân huyện Quảng Ninh

Về sản phẩm OCOP, đến nay, huyện Quảng Ninh đã có 22 sản phẩm được xếp hạng OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 18 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm được phân hạng OCOP đều là những mặt hàng nông sản chủ lực của các địa phương, có tính truyền thống và có khả năng phát triển thành hàng hóa.

Thời gian tới, huyện Quảng Ninh tiếp tục huy động nguồn lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; phấn đấu có thêm 3 xã, gồm Vĩnh Ninh, Hải Ninh và Vạn Ninh hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao; 5 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; 5 vườn mẫu và 1 thôn, bản ở vùng khó khăn xã Trường Sơn hoàn thành các tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM. 

Trụ sở huyện ủy Quảng Ninh

Bí thư huyện ủy Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ông Phạm Trung Đông chia sẻ: “Năm 2024, mặc dù gặp nhiều nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của huyện ủy, HĐND, UBND huyện, BCĐ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện, cùng sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, sự đồng thuận trong nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện có 12/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân; hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của huyện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, nhiều cơ sở văn hóa được nâng cấp và xây mới, các hoạt động văn hoá -thể thao và học tập trong cộng đồng được khôi phục, duy trì và phát triển. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất nông -lâm nghiệp và thủy sản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả các sản phẩm chủ lực. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mang lại luồng gió mới, nâng tầm giá trị nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ chương trình đã bước đầu hình thành các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương, như: Dưa hấu Hàm Ninh, khoai deo Hải Ninh, gạo Vĩnh Tuy…”.
“Với phương châm “giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn”, nhằm đưa việc thực hiện xây dựng NTM đi vào thực chất, chiều sâu, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã về đích phấn đấu giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt, rà soát khôi phục các tiêu chí sụt giảm, huy động tối đa nguồn lực đầu tư hạ tầng KT-XH thiết yếu, xây dựng NTM; tập trung tuyên truyền những thành quả đạt được trong xây dựng NTM, tạo niềm tin, cổ vũ động viên nhân dân tiếp tục thi đua chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo sự đột phá về diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh”, Bí thư huyện ủy Quảng Ninh, ông Phạm Trung Đông cho biết thêm.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích