Quảng Ninh: Phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn rừng bị thiệt hại do bão số 3
(Xây dựng) – Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh đầu tháng 9 vừa qua đã làm đổ gãy trên 117.000ha rừng trên địa bàn tỉnh, khiến người trồng rừng đối mặt với rất nhiều khó khăn để tái sản xuất. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn sớm phục hồi trở lại.
Vị trí rừng phòng hộ hồ Cao Vân (xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) bị bão số 3 quật đổ đến 90%. (Ảnh: QMG) |
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 đã làm đổ gãy trên 117.000ha rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó gần 20.000ha rừng phòng hộ, số còn lại là rừng sản xuất, gây thiệt hại nặng nề cho người dân và doanh nghiệp trồng rừng. Trong đó, phần diện tích rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất bị thiệt hại nói trên được trồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Đây là diện tích rừng hiện đang chưa có hướng dẫn đầy đủ về chính sách và giải pháp khắc phục rừng sau bão, khiến cho công tác phục hồi rừng sau bão gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình trên, ngày 16/9/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp bàn phương án khôi phục sản xuất lâm nghiệp sau bão số 3. Tại cuộc họp, các công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ và UBND các địa phương đề xuất tỉnh xem xét cho phép tăng vốn điều lệ cho các công ty lâm nghiệp để vay vốn ngân hàng thương mại có nguồn tái sản xuất; thực hiện giãn nợ từ nguồn vốn ngành Than đầu tư trồng rừng; giãn nợ bảo hiểm; miễn giảm 1 chu kỳ tiền thuế đất.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn thanh lý rừng trồng theo Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND “Về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” áp dụng thí điểm tại thành phố Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Đề nghị tỉnh sớm cấp cho các công ty lâm nghiệp chòi canh, máy thổi lửa, bàn dập lửa theo Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là hiện nay sắp đến mùa hanh khô, lớp thực bì sau bão dày.
Đối với diện tích rừng được trồng từ vốn ngân sách Nhà nước bị thiệt hại do cơn bão số 3 cần phải được khắc phục ngay, để sớm nhất trồng lại hoặc trồng bổ sung cây rừng, bởi phần lớn đều nằm ở các vị trí rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quan trọng hoặc nơi đầu nguồn, giữ vai trò tạo sinh thủy cho các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây là diện tích rừng hiện đang chưa có hướng dẫn đầy đủ về chính sách và giải pháp khắc phục rừng sau bão, nên các hoạt động phục hồi rừng phòng hộ, đầu nguồn hồ thủy lợi chưa được thực hiện do nằm trong vướng mắc chung của loại rừng trồng bằng vốn ngân sách.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đối với rừng được trồng từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trồng rừng thay thế mà thiệt hại do cơn bão từ 70% trở lên, cùng với những cơ chế hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đang triển khai, đơn vị chuyên môn chúng tôi đang tham mưu cho cấp trên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ khẩn trương ban hành quy định về thanh lý rừng.
Cùng với đó là việc tạm thời cho phép tổ chức khai thác tận thu ngay để đảm bảo giá trị lâm sản trong thời gian Trung ương nghiên cứu ban hành quy định thanh lý rừng. Quảng Ninh cũng đề nghị Trung ương cho cơ chế bố trí nguồn kinh phí sẵn có là quỹ trồng rừng thay thế để các chủ rừng lập hồ sơ thiết kế, đảm bảo khi các đơn vị tận thu xong có thể trồng rừng ngay.
Người dân xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) khai thác gỗ keo bị thiệt hại sau bão. (Ảnh: QMG) |
Ngày 1/10/2024, tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 2832/UBND-KTTC về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Văn bản này gửi đến các đơn vị: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn; các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp thuộc tỉnh; các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.
Theo văn bản, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp với hơn 117.000ha rừng bị đổ gãy, gây hệ lụy lớn không chỉ về kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tác động sâu sắc đến đời sống, sinh kế của nhiều đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng, đặc biệt là doanh nghiệp trồng rừng và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Để khẩn trương, kịp thời khắc phục hậu quả của bão số 3 gây ra và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng và lợi thế của mình để chung tay hỗ trợ chủ rừng, tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ sau:
Chủ động ra quân tổ chức hỗ trợ khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp; tăng cường các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ rừng khắc phục hậu quả thiệt hại về lĩnh vực lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng hỗ trợ thu dọn vệ sinh rừng, tận dụng, tận thu lâm sản.
Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức phát động chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, lưu thông tuyến đường vận xuất, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại, quyết tâm hoàn thành công việc trước ngày 31/10/2024; tạo điều kiện thuận lợi (kho bãi, điện…) cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lâm sản hoạt động tối đa công suất.
Các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua, chế biến dăm gỗ huy động tối đa nguồn lực khắc phục thiệt hại cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, đảm bảo hoạt động tối đa công suất chế biến, xuất khẩu lâm sản. Thống nhất với chủ rừng các nội dung thu mua, vận chuyển, đảm bảo thực hiện thu mua sản phẩm với thời gian nhanh nhất có thể.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chuyển văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh và tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện.
Nguồn: Báo xây dựng