Quảng Ninh: Lệnh khẩn cấp xây dựng công trình sau bão số 3

(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Ninh vừa công bố tình huống khẩn cấp về khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó là Quyết định ban hành Lệnh xây dựng khẩn cấp các công trình bị thiệt hại trong trận bão số 3 (Yagi), phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng về nội dung này.

Quảng Ninh: Lệnh khẩn cấp xây dựng công trình sau bão số 3
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn.

PV: Thưa ông, tỉnh Quảng Ninh vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai; theo đó là Quyết định ban hành Lệnh xây dựng khẩn cấp các công trình bị thiệt hại trong trận bão số 3, ông có thể cho biết vắn tắt tình hình thiệt hại các công trình xây dựng, hạ tầng trong trận bão số 3 (bão Yagi)?

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn: Quảng Ninh được xác định là tâm bão số 3 (bão Yagi) đi qua với bão cấp cao nhất là cấp 12, tại thành phố Hạ Long và một số địa phương bão kéo dài nhiều giờ gió gật cấp 15-17, hoàn lưu bão nhiều nơi lượng mưa 300-500mm đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người, tài sản, hoa màu, cây trồng, vật nuôi, rừng, biển, môi trường… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân tỉnh Quảng Ninh. Riêng trong xây dựng, bão số 3 đã làm gần 103.000 căn nhà bị tốc mái, 254 căn nhà bị đổ sập, gần 5.000 căn nhà bị ngập nước… Nhiều công trình công cộng (trụ sở cơ quan, công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, công viên…), nhiều công trình dịch vụ thương mại (khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại…), nhiều công trình sản xuất (các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), nhà xưởng ngành Than, ngành Điện…), nhiều công trình hạ tầng (cầu, đường, điện, cấp nước, cấp điện, xử lý rác thải, nước thải…) bị hư hại nặng, tốc mái, bay kính…; nhiều khu nuôi trồng thủy hải sản trên biển bị chìm, đắm, phá nát; nhiều cây xanh đô thị, cây xanh cảnh quan các núi đá, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất bị gãy đổ… rất cần các biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời để sớm khôi phục lại đời sống, sản xuất, sinh hoạt…

PV: Trước thiệt hại nặng nề của thiên tai, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời công bố tình huống khẩn cấp; theo đó là Quyết định ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với các công trình đó, xin ông chia sẻ cụ thể về nội dung này?

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn: Chính phủ, Bộ Xây dựng đã kiểm tra, có nhiều chỉ đạo (Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3; Công điện số 02/CĐ-BXD ngày 08/9/2024 của Bộ Xây dựng chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 3); Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục bão số 3 tại nhiều công điện, chỉ thị, văn bản…; Theo nhiệm vụ được phân công, Sở Xây dựng đã triển khai, tổ chức kiểm tra và tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với các công trình dân dụng đầu tư công cấp tỉnh (các công trình trụ sở, bệnh viện, đào tạo, các công trình phúc lợi công cộng, công trình thiết thực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh). Xây dựng chính sách hỗ trợ thiệt hại về nhà ở cho nhân dân do bão số 3 gây ra để sớm an cư, ổn định đời sống.

Cụ thể, ngày 20/9, tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định số 2677/QĐ-UBND, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 7 công trình trụ sở cơ quan cấp tỉnh; theo đó là Quyết định 2680 ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với 7 công trình nói trên gồm: (1) Trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh (cùng hệ thống nhà cầu nối với Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Trụ sở Liên cơ quan số 2, 3 và Nhà khách tỉnh); (2) Trụ sở Trung tâm truyền thông tỉnh; (3) Trụ sở Thanh tra tỉnh; (4) Trụ sở Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; (5) Trụ sở Liên cơ quan số 2; (6) Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ (tại cơ sở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên và phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long); (7) Nhà khách tỉnh (cơ sở 1 và cơ sở 2).

Thời gian xây dựng công trình 45 ngày, kể từ ngày ban hành Lệnh xây dựng công trình; dự kiến chi phí 19 tỷ 508 triệu đồng; bằng nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định số 2678/QĐ-UBND, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 13 công trình y tế trên địa bàn; theo đó là Quyết định số 2681/QĐ-UBND ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với 13 công trình y tế nói trên gồm: (1) Bệnh viện Bãi Cháy; (2) Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả; (3) Bệnh viện Đa khoa tỉnh; (4) Bệnh viện Phổi; (5) Bệnh viện Y dược Cổ truyền; (6) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; (7) Trung tâm y tế huyện Ba Chẽ; (8) Trung tâm y tế huyện Cô Tô; (9) Trung tâm y tế huyện Vân Đồn; (10) Trung tâm y tế huyện Tiên Yên; (11) Trung tâm y tế thành phố Hạ Long; (12) Trung tâm y tế thị xã Quảng Yên; (13) Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí, cụ thể như sau: Thời gian xây dựng công trình 45 ngày, kể từ ngày ban hành Lệnh xây dựng công trình; dự kiến chi phí 10 tỷ 513 triệu đồng.

Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HDND tỉnh thông qua Nghị quyết ngày 23/9/2024 về biện pháp hỗ trợ thiệt hại về nhà ở của nhân dân do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh nhằm chia sẻ mất mát, hỗ trợ một phần hộ gia đình khó khăn bị thiệt hại nặng về nhà ở do bão số 3 gây ra; sớm xây dựng, sửa chữa lại nhà ở để ổn định, khôi phục lại sinh hoạt, đời sống, sản xuất với hai mức sau:

Một là: Hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục và không còn nhà ở khác trên cùng địa bàn bàn (huyện, thị xã, thành phố) thì được hỗ trợ chi phí làm nhà ở mới với mức hỗ trợ 100.000.000 đồng/hộ.

Hai là: Hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được và không còn nhà ở khác trên cùng địa bàn bàn (huyện, thị xã, thành phố) thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức 50.000.000 đồng/hộ.

Với tổng số hộ gia đình cần xây dựng mới, sửa chữa nhà ở khoảng 1.830 nhà (xây dựng mới 122 nhà, 1.708 nhà), với tổng kinh phí khoảng 97,600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố. Việc hỗ trợ nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động huy động nguồn lực xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở bảo đảm nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng nhà ở…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao cho Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì rà soát, tham mưu việc xây dựng, khắc phục các công trình hạ tầng giao thông, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo do bị ảnh hưởng bão số 3 gây ra.

PV: Công tác triển khai thực hiện sửa chữa, khắc phục công trình xây dựng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và đặc biệt là các công trình trong diện tình huống khẩn cấp và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp về thiên tai, giải pháp thực hiện thế nào, thưa ông?

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn: Sau khi Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp được ban hành theo quy định, người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình thực hiện các bước như sau: Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng để tổ chức thực hiện xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, người được giao xây dựng công trình khẩn cấp phải thực hiện các công việc sau: Kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình đã được xây dựng và thực hiện bảo hành công trình; Hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình và lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng; Quyết toán công trình theo quy định của pháp luật.

Khi thực hiện khắc phục, đề nghị người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình lưu ý một số nội dung sau: Năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức và cá nhân tham gia vào các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp thực hiện đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021, sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ.

Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và quy định có liên quan; tuyệt đối không lợi dụng thiên tai, bão lũ để đề xuất các nội dung không đúng với mục đích khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2616/UBND-GTCN&XD ngày 10/9/2024; các công việc thực hiện phải đáp ứng mục đích yêu cầu, tính chất của lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Khảo sát kỹ hiện trạng công trình, chỉ đạo các nhà thầu phải có giải pháp kỹ thuật khả thi, bền vững khi thực hiện sửa chữa công trình xây dựng, đáp ứng yêu cầu kinh tế – kỹ thuật, làm rõ phạm vi sửa chữa, để tránh trùng lặp, tận dụng lại tối đa vật tư, trang thiết bị của công trình còn đảm bảo yêu cầu sử dụng (điển hình như: Các hệ vì kèo, xà gồ mái; khung cửa, vách (chỉ thay kính an toàn); các tấm trần thả bị rơi, cong vênh còn sử dụng được; vật tư, trang thiết bị xây dựng khác); các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình hoàn toàn chịu trách nhiệm về giải pháp thực hiện khắc phục công trình đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Quá trình triển khai sửa chữa, khắc phục công trình, cần quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động theo Thông tư số 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 18:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuộc quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng (an toàn khi làm việc trên cao theo quy định tại mục 2.7, an toàn điện quy định tại mục 2.16, an toàn khi thi công, lắp dựng tháo dỡ, phá dỡ các cấu kiện, kết cấu công trình tại mục 2.10, 2.15, an toàn cho khu vực lân cận công trình tại mục 2.1, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động tại mục 2.19…).

Đối với công trình/công việc cần sửa chữa để khắc phục sau bão số 3 có tổng kinh phí nhỏ, sử dụng được từ nguồn quỹ hoạt động sự nghiệp và nguồn trích từ phí được để lại để chi thường xuyên:

Đề nghị các cơ quan chủ quản lý, chủ sử dụng công trình có thiệt hại tổ chức thực hiện theo Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh “Về việc ban hành quy định một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo từng lĩnh vực, chuyên ngành của cơ quan Đảng, Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý” để chủ động triển khai đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Đối với công trình/công việc cần sửa chữa để khắc phục sau bão số 3 nhưng không thuộc loại công trình cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền:

Đề nghị các cơ quan chủ quản lý, chủ sử dụng công trình có thiệt hại căn cứ các điều kiện đảm bảo theo quy định để tổ chức thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và quyết toán kinh phí theo quy trình Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh “Về việc ban hành quy định một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo từng lĩnh vực, chuyên ngành của cơ quan Đảng, Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý” để triển khai đảm bảo quy định.

Các nội dung khác, Bộ Xây dựng đã ban hành Công điện số 02/CĐ-BXD ngày 08/9/2024 về việc khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi), đề nghị các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo.

Công tác triển khai, khắc phục các công trình xây dựng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trên địa bàn tỉnh là rất lớn, phức tạp, đa dạng… cần triển khai nhanh, kịp thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả… minh bạch, công khai… cần sự vào cuộc rất tích cực, khẩn trương, quyết liệt, cụ thể của các ngành, địa phương, các đơn vị trực tiếp quản lý. Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị rà soát, để xuất; thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích