Quảng Ninh: Huyện Tiên Yên nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản
Theo thống kê, diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện đạt 1.067,6ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 207,7ha, quảng canh 860,9ha; diện tích nuôi cua 164,4ha; nuôi cá các loại 77,4ha.
Đặc biệt, việc nuôi tôm thẻ chân trắng đã được Tiên Yên tập trung khai thác theo hướng mở rộng về quy mô và tăng cường đầu tư kỹ thuật. Hiện toàn huyện có trên 300 hộ nuôi tôm theo hướng công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các xã: Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Đồng Rui. Đến nay, một số vùng nuôi tôm công nghiệp thâm canh, bán thâm canh được người dân đầu tư các mô hình nuôi một cách hệ thống với nguồn vốn lớn. Trung bình 1ha nuôi tôm công nghiệp được người dân đầu tư khoảng từ 1,5-2 tỷ đồng…
Với việc ứng dụng KHKT vào nuôi trồng thuỷ, hải sản được huyện đặc biệt quan tâm. Điển hình là tích cực ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, công nghệ biofloc, nuôi ít thay nước, nuôi tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản… Cùng với đó, các đơn vị và hộ nuôi tôm đã đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu.
Trong 3 năm qua, huyện cũng đã tổ chức được 12 lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản cho 350 hộ nuôi, 40 lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật cho trên 2.000 người tham gia, thành lập các tổ quản lý cộng đồng vùng nuôi trồng thủy sản, 9 hợp tác xã, tổ liên kết vừa để tổ chức sản xuất tập trung vừa gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Hiện toàn huyện huy động gần 1.400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi; đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất… Theo số liệu Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng năm 2023 của địa phương đạt 6.211,7 tấn, trong đó, sản lượng khai thác trên 3.100 tấn; sản lượng nuôi trồng trên 3.000 tấn.
Hướng về lâu dài, huyện Tiên Yên sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản cả về nuôi trồng và khai thác; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường phòng, chống dịch bệnh; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là các vùng đã có quy hoạch chi tiết; tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu