Quảng Ninh: Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, nhiều công trình mới “mọc” lên ở ven đường

(Xây dựng) – Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả được nhận định là con đường đẹp nhất Việt Nam. Hiện, đường đã thông tuyến chuẩn bị khánh thành thì nảy sinh vấn đề nhiều công trình mới xây dựng ở ven đường mà dư luận cho là những công trình xây dựng trái phép, địa phương đang tập trung xử lý.

quang ninh duong bao bien ha long cam pha nhieu cong trinh moi moc len o ven duong
Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả cắt qua nhiều ao đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ dân ở phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả.

Ông Nguyễn Tiến Thành – Phó Chủ tịch UBND phường Quang Hanh cho biết: Ngày 7/12/2021, UBND thành phố Cẩm Phả có Văn bản số 6966/UBND-VP chỉ đạo phường tăng cường quản lý quỹ đất dọc hai bên tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả. Hiện có dấu hiệu một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng trong quá trình thi công làm đường tự ý đổ đất, san gạt mặt bằng, cải tạo bờ đầm mở đường đấu nối với đường chính, trồng cây, dựng công trình tạm… gây ảnh hưởng đến công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, cảnh quan môi trường chung.

UBND phường Quang Hanh đã phối hợp với Đội Kiểm tra trật tự đô thị và Môi trường, hạt Kiểm lâm thành phố kiểm tra thực địa, xử lý các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể: Hộ ông Đoàn Hải Anh, tổ 59, phường Cẩm Đông, với hành vi tự ý san gạt, tôn tạo mở rộng đường làm biến dạng địa hình, số tiền xử phạt là 5.000.000 đồng và yêu cầu bốc xúc toàn bộ khối lượng đất đá đã đổ nối tuyến đường bao biển, di chuyển toàn bộ số cây trồng gồm 137 cây xoài (loại nhỏ), 15 gốc sấu. Công trình lắp dựng trái phép khung sắt, vì kèo, lợp tôn diện tích 250,0m2 đã tháo dỡ trả lại nguyên trạng mặt bằng ban đầu.

quang ninh duong bao bien ha long cam pha nhieu cong trinh moi moc len o ven duong
Lựng Áng trên cao nước mặn không xâm thực thì trồng rừng, trồng cây ăn quả, thời bao cấp dân còn cấy lúa.

Hộ ông Phạm Văn Mỹ, tổ 5, khu 10B, phường Quang Hanh, tự ý sử dụng máy xúc đào, đắp bờ đầm đấu nối với tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, số tiền xử phạt: 5.000.000 đồng và thu dọn bốc xúc toàn bộ khối lượng bùn, đất tại điểm đấu nối với tuyến đường chính (đường bao biển). Khu vực bờ đầm ông Phạm Văn Mỹ trồng 200 cây giống dừa nước, phi lao, xoài cũng đã được thu dọn trả lại nguyên trạng bờ đầm và tháo dỡ các chòi bạt, lưới quây chăn nuôi vịt.

Hộ ông Phó Văn Nam, tổ 1, khu 3A, phường Quang Hanh, tự ý san gạt, tôn tạo mở rộng đường vào ao đầm làm biến dạng địa hình, số tiền xử phạt 5.000.000 đồng, Phó Văn Nam đã bốc xúc, phục hồi hoàn trả lại hiện trạng, trên mặt bằng không có các công trình vi phạm, thung lũng áng có các cây keo, khóm tre đã trồng từ nhiều năm trước.

Hộ ông Nguyễn Văn Kiêu, tổ 5, khu 9B, phường Quang Hanh, tự ý đổ đất tôn nền mặt bằng sát taluy kè tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, với diện tích khoảng 60,0m2. UBND phường đã tiến hành lập biên bản xử lý và yêu cầu hộ ông Nguyễn Văn Kiêu dừng hoạt động đổ đất, đồng thời thực hiện bốc xúc toàn bộ khối lượng đất đổ trả lại nguyên trạng mặt bằng theo mục đích sử dụng đầm. Hiện, hộ ông Kiêu đã chấp hành thực hiện.

Công ty Cổ phần 484 là đơn vị nhà thầu thi công tuyến đường bao biển Hạ Long -Cẩm Phả đã đặt tạm 2 nhà container có mái che, mục đích làm chỗ ăn nghỉ cho công nhân phục vụ việc thi công đường. UBND phường đã yêu cầu nhà thầu di dời đến nơi địa phương quy định cho phép dựng lán trại.

UBND phường Quang Hanh nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Cẩm Phả, quản lý quỹ đất dọc hai bên tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, tránh lấn chiếm, tái chiếm, phá vỡ quy hoạch xây dựng là cần thiết, đáng được hoan nghênh. Nhưng nhìn nhận lại vấn đề này có nhiều bất cập mà cơ quan Nhà nước các cấp cần quan tâm.

quang ninh duong bao bien ha long cam pha nhieu cong trinh moi moc len o ven duong
Áng dưới thấp ngập mặn thì be bờ nuôi trồng thủy sản, con đường mới mở cắt đôi ao đầm, nay đường xây dựng xong các hộ chăn nuôi có nhu cầu đắp lại bờ ao duy trì sản xuất là chính đáng.

Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả dài 18,6km (chưa kể đoạn kết nối với đường bao biển Trần Quốc Nghiễn), tổng mức đầu tư 2.290 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, khởi công tháng 8/2019. Tuyến đường đi qua 4 phường gồm: Hồng Hà, Hà Tu, Hà phong (Hạ Long), phường Quang Hanh (Cẩm Phả). Đoạn nằm trên địa bàn thành phố Cẩm Phả dài 10,39km, diện tích mặt bằng phải thu hồi đất là trên 53ha, liên quan đến 36 hộ và 10 tổ chức.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nguyên vật liệu phục vụ thi công, thành phố Cẩm Phả phải giải phóng mặt bằng 15,52ha diện tích đất của 7 hộ dân thuộc khu 7, phường Quang Hanh. Đoạn qua thành phố Hạ Long dài 8,3km, phải thu hồi gần 23ha mặt bằng, ảnh hưởng đến 302 hộ dân và 4 đơn vị, trong đó có 79 hộ bị ảnh hưởng vào các công trình kiến trúc, 53 hộ phải bố trí tái định cư.

Trong số 4 phường mà trục đường đi qua, phường Quang Hanh có nhiều tập thể, cá nhân trong diện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và đang bị liệt vào diện địa phương có nhiều công trình lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Thực tế khu vực Quang Hanh khi chưa mở đường là một vùng đất hiểm trở trên là núi đá vôi dựng đứng, dưới là bãi triều ngập mặt, có một số thung lũng nhỏ dân địa phương gọi là Vũng – Áng. Áng trên cao nước mặn không xâm thực thì trồng tre, cây ăn quả và trồng rừng; vũng ngập mặn thì be bờ làm ao đầm nuôi tôm cá quảng canh.

Hoạt động kinh tế trồng rừng và nuôi trồng thủy sản ở khu vực này ổn định từ những thập kỷ 90 đến này. Một số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), thuê đất dài hạn. Một số hộ ngư dân ít hiểu biết đã chủ quan hoặc né tránh thuế đất, cho rằng ao đầm có bờ be, đất không tranh chấp với ai cứ vậy mà khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Nay con đường đi qua, Nhà nước áp cơ chế bồi thường diện không “sổ đỏ” giá bồi đã thấp thiệt thòi, lại không đường mở mang được sản xuất, đất phải để nguyên trạng. Những hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng rơi vào thế bí. Ví dụ, hộ ông Đoàn Hải Anh, đại diện cho bà Đỗ Thị Thanh có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 511348, số vào sổ H-378, UBND thị xã Cẩm Phả cấp năm 2009 với diện tích là 450.000m2 (45,0ha), mục đích là nuôi trồng thủy sản tại khu vực áng Kênh Trang. Khi đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả đi qua, thu hồi để làm đường mất 10.141,6m2 (hơn 10,0ha), diện tích còn lại trên ¾ đương nhiên vẫn phải duy trì sản xuất.

Con đường bao biển xẻ ngang diện tích ao đầm (trong khi hệ thống ao đầm nuôi trồng thủy sản còn có trước công trình xây dựng con đường này) cắt đôi đê bao và đường mòn vào cơ sở sản xuất của dân. Nay người dân có nhu cầu và quyền lợi chính đáng khôi phục lại đường vào phần ao đầm còn lại của mình và đắp lại bờ ao đầm thì bị quy vào diện vi phạm, làm biến dạng địa hình, nhưng xin cũng chẳng cơ quan nào cấp phép. Dựng lán tạm chứa ngư cụ và thức ăn nuôi thủy sản, chuồng vịt, trồng cây trên đất nằm ngoài phạm vi thu hồi, tức là đất chính của nhà mình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng cho là vi phạm trật tự xây dựng…

quang ninh duong bao bien ha long cam pha nhieu cong trinh moi moc len o ven duong
Đường vào các cơ sở sản xuất chăn nuôi thủy sản, trồng rừng bị khoét đất làm đường đứt gẫy, nay khôi phục lại đường mòn vào cơ sở sản xuất, không có sự lấn chiếm đất công.

Việc tăng cường quản lý quỹ đất dọc hai bên tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả tránh tình trạng lấn chiếm, tái chiếm là đúng đắn. Nhưng phía sau công trình đẹp này đã nảy sinh sự bất cập, các cơ sở sản xuất trồng rừng, nuôi trồng thủy sản của dân theo mô hình kinh tế hộ đang được nhà nước khuyến khích cần được bảo hộ. Tỉnh Quảng Ninh cần sớm có quy hoạch phân khu khu vực này, hướng dẫn các hộ dân thực hiện quy hoạch, trước mắt có những quy định tạm thời cho các hộ dân phát triển sản xuất, tránh để đất hoang, lãng phí tài nguyên đất đai và mặt nước nuôi trồng thủy sản, đồng thời tránh các khu đô thị mọc lên rồi nằm trong tay nhóm người đầu cơ tích trữ; đất ở mà không có người mất cảnh quan, môi trường đô thị đang là vấn nạn ở Quảng Ninh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích