Quảng Ninh: Đóng cửa mỏ đá vôi
Quảng Ninh: Đóng cửa mỏ đá vôi
Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV ra 7 Nghị quyết chuyên đề về công tác đầu tư, xây dựng đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trước mắt và trong 5 năm tới có nội dung đóng cửa các mỏ đá vôi trên địa bàn được cử tri xa gần quan tâm.
Cụ thể, Nghị quyết mới điều chỉnh Nghị quyết cũ số 119/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung chính gồm hai phầm, một là điều chỉnh địa chỉ tiêu thụ cho các khu vực mỏ đất sét, để cung cấp cho các nhà máy sản xuất gạch ngói nung; hai là bổ sung giải pháp thực hiện quy hoạch mỏ đá vôi, không cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đá và thực hiện lộ trình đóng cửa mỏ, không gia hạn các mỏ đá vôi nằm dọc theo các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, khu vực cảnh quan ven vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Các khu đô thị, khu du lịch trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và huyện Vân Đồn.
Trước năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 23 khu vực khai thác mỏ đá vôi được cấp phép với tổng diện tích 240ha, công suất khai thác gần 3,5 triệu m3/năm, sản lượng khai thác giai đoạn năm 2018-2020 là hơn 8,4 triệu m3. Theo lộ trình đóng cửa các khu vực mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, thì năm 2021 đóng cửa mỏ 3 khu vực mỏ, năm 2022 đóng cửa 1 khu vực mỏ, năm 2023 đóng cửa 3 khu vực mỏ, từ năm 2024 đến 2025 đóng cửa mỏ 10 khu vực mỏ.
Hiện trên địa bàn thành phố Hạ Long có 14 mỏ đá hoạt động; trong đó, 3 mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, 11 mỏ do UBND tỉnh cấp phép. Theo lộ trình từ nay đến năm 2025, sẽ có 7 mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác và sẽ phải đóng cửa mỏ. Thành phố Cẩm Phả đang giải quyết thủ tục đóng cửa, hoàn thổ mỏ đá vôi Km6 khai trường sử dụng đất 12,5ha, sản lượng khai thác bình quân 450.000m3/năm, đến năm 2022 sẽ phải đóng cửa và thực hiện hoàn nguyên môi trường; và tương tự là mỏ đá vôi Cẩm Thạch. Thành phố Uông Bí cũng đang giải quyết các thủ tục đóng cửa mỏ đá vôi Phương Nam, chuyển mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ 12/2018 đến nay đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định đóng cửa mỏ đối với 6 khu vực mỏ đá làm vật liệu thông thường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 17 khu vực mỏ đá vôi còn thời hạn được cấp phép khai thác.
Như vậy, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện đóng cửa toàn bộ các mỏ đá. Lộ trình này cho thấy quyết tâm của địa phương thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”.
Nhưng lộ trình đóng cửa các mỏ đá vôi con đường cũng còn nhiều gian nan về giải quyết việc làm cho người lao động nghề khai thác đá, thanh lý phương tiện sản xuất chế biến đá và tái định cư cho ngành sản xuất gắn với mỏ đá như 3 nhà máy xi măng. Đồng thời phải có phương án giải bài toán mỗi năm Quảng Ninh cần từ 3,6 đến 3,65 triệu tấn đá vôi làm vật liệu xây dựng, mà chưa có loại khoáng sản nào thay thế nó được.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị