Quảng Ninh: Đổi mới hoạt động đo lường, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh, thực hiện Đề án 966 (ngày 18/8/2018) của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời, tập trung ưu tiên hỗ trợ đo lường cho các doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: Nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; SXKD than, điện, xăng dầu; công nghệ điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số…

Không ngừng tập trung hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc 33 nhóm ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ và hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường tăng cường đổi mới hoạt động đo lường theo Quyết định 3807/QĐ-BKHCN về phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025 định hương 2030”.

 Đẩy mạnh hoạt động đo lường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng nguồn lực trong xã hội để đóng góp cho phát triển hoạt động đo lường của tỉnh. Áp dụng hiệu quả các bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.

Qua đó, doanh nghiệp, tổ chức được cung cấp kiến thức cơ bản về quản lý đo lường và đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp; nắm được các bước chuẩn bị, phân tích và đánh giá thực trạng đảm bảo đo lường, phương pháp xây dựng các mục tiêu của Chương trình đảm bảo đo lường, nắm được phương thức lựa chọn và đăng ký tham gia thực hiện chương trình đảm bảo đo lường theo Quyết định 996/QĐ-TTg của Chính phủ. 

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường, tỉnh còn chú trọng đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và doanh nghiệp về công tác quản lý hoạt động đo lường; thực hiện đánh giá việc áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường.

Kết quả, 9 tháng năm 2023, Sở KH&CN đã thực hiện kiểm định gần 7.500 phương tiện đo lường, hiệu chuẩn 378 phương tiện đo lường; đồng thời duy trì thanh tra, kiểm tra về hoạt động đo lường tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng, xầu, hàng đóng gói sẵn. Qua đó đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quá trình mua bán, thanh toán, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đánh giá của Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh, quản lý hoạt động đo lường nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh. 

An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích