Quảng Ninh: Dốc toàn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3
(Xây dựng) – Siêu bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn về người và của, ảnh hưởng nặng nề về cơ sở vật chất hạ tầng chưa thể thống kế đầy đủ, đến trưa ngày 11/9, nhiều khu vực thành phố Hạ Long và các địa phương trong tỉnh vẫn chưa có điện trở lại, mạng di động chập chờn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thăm hỏi, động viên người dân xã Thống Nhất (thành phố Hạ Long) phải di dời đến nơi ở tạm do ngập lụt. (Ảnh: Đỗ Phương) |
Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Ninh đến ngày 9/9, thiệt hại do bão số 3 gây ra như sau: Toàn tỉnh có trên 20.000 ngôi nhà bị tốc mái; 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 1.300ha lúa, hoa màu, trên 17.000ha rừng trồng bị ảnh hưởng. Hơn 1.400 cột điện bị gãy đổ gây mất điện diện rộng kéo theo mất nước. Mạng lưới viễn thông toàn tỉnh gần như bị tê liệt; hạ tầng các khu công nghiệp tại thị xã Quảng Yên bị hư hại trên diện rộng. Các cơ sở y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng bị thiệt hại lớn về cơ sở vật chất…
Trong đó, thành phố Hạ Long là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau khi bão số 3 đi qua. Thông tin từ thành phố Hạ Long cho biết, thành phố có 4 người tử vong và hàng trăm người bị thương. Các lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công 78 người gặp nạn trên các xà lan, tàu thuyền trên vịnh Hạ Long. Hiện còn lại 8 người đang mất tích, chưa tìm thấy; 23 tàu, 28 tàu cá, 15 tàu vận tải, 30 lồng bè bị hư hại; trên 550 nhà xưởng của tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân bị thiệt hại nặng.
Trên 50.000 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại về nhà cửa (tốc mái, vỡ kính, đổ sập…); trên 530 trụ sở cơ quan, đơn vị của tỉnh đóng chân trên địa bàn, trụ sở của thành phố, xã phường bị thiệt hại.
225/243 nhà văn hóa thôn khu và một số công trình công cộng bị thiệt hại; 79/119 trường học, cơ sở giáo dục thường xuyên bị thiệt hại nặng, cần khắc phục sớm; trên 115 khách sạn, chung cư cao tầng bị thiệt hại nặng; trên 90% hệ thống biển hiệu, pano áp phích, quảng cáo… bị hư hại.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 9/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn số 2606/UBND-KTTC chỉ đạo về việc tập trung khắc phục thiệt hại và phòng, chống mưa lũ sau bão số 3, đồng thời quyết định cấp kinh phí hỗ trợ đợt 1 cho các địa phương với số tiền 180 tỷ đồng.
Những ngày này, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh cùng tất cả lực lượng, phương tiện và người dân đang hối hả trong nỗ lực dốc toàn lực sức người sức của khắc phục hậu quả của bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu sau bão. Lãnh đạo tỉnh và các địa phương thường trực xuống địa bàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão và ứng phó với mưa lũ sau bão.
Lực lượng vũ trang tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã huy động tối đa nguồn lực và các loại thiết bị, phương tiện, máy móc tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa các công trình bị hư hỏng…
Ngày 10/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh đã tổ chức lớp tập huấn công tác y tế, hướng dẫn xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ. Cán bộ y tế của CDC Quảng Ninh hướng dẫn cán bộ y tế tuyến huyện sử dụng máy phun hóa chất và một số lưu ý khi sử dụng máy. (Ảnh: Ngọc Phượng – CDC Quảng Ninh) |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo ưu tiên khôi phục ngay hoạt động trong các lĩnh vực: Đảm bảo giao thông, điện, nước, viễn thông, môi trường với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực hiện làm ngày, làm đêm, sớm đưa các hoạt động của người dân trở lại bình thường.
Điện, nước, liên lạc… những hạ tầng sinh hoạt thiếu yếu cho người dân đang được các đơn vị chuyên môn của Quảng Ninh khẩn trương khắc phục, sau sự cố gián đoạn diện rộng do ảnh hưởng của bão Yagi.
Ngày 7/9 khi bão số 3 đổ bộ, tổng số 52/52 đường dây 110kV và 21/21 trạm biến áp tại Quảng Ninh đã tách khỏi vận hành, toàn tỉnh mất điện. Ngay sau khi cơn bão tan, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã huy động hơn 600 cán bộ, công nhân viên đang ứng trực tại các đơn vị để khắc phục sự cố.
Tính đến 10 giờ ngày 8/9, Công ty Điện lực Quảng Ninh khôi phục được 9/50 đường dây 110kV; đóng điện được 8 trạm biến áp 110kV và 12/80 đường dây trung áp, trong đó có thành phố Móng Cái cơ bản được cấp điện trở lại.
Do tình hình mưa lớn kéo dài sau bão, việc khắc phục lưới điện gặp nhiều khó khăn, Công ty Điện lực Quảng Ninh và Công ty Điện lực thành phố Hạ Long sẽ ưu tiên cấp điện cho các khu vực trọng điểm của tỉnh và thành phố. Hiện công tác khắc phục sự cố điện vẫn đang được khẩn trương, liên tục thực hiện để sớm cấp điện trở lại cho nhân dân toàn tỉnh.
Thông tin từ Công ty Điện lực thành phố Hạ Long cho biết: Trên địa bàn thành phố Hạ Long hiện có trên 110.000 khách hàng (lớn nhất toàn tỉnh Quảng Ninh). Do ảnh hưởng bởi gió bão lớn, toàn bộ 38/38 đường dây trung áp và trạm biến áp bị sự cố, trên 250 cột điện bị gãy đổ, gây mất điện diện rộng.
Trong 2 ngày 8/9 – 9/9, Điện lực thành phố Hạ Long đã huy động gần 170 cán bộ, nhân viên (100% quân số) và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã tăng cường thêm 43 cán bộ kỹ thuật để khôi phục lưới điện của Hạ Long sau bão.
Ngay sau khi các đường dây trung áp được khôi phục, Điện lực thành phố Hạ Long sẽ ưu tiên cấp điện trở lại cho các khách hàng ở những khu vực trọng điểm như: Trụ sở các cơ quan, đơn vị của tỉnh, thành phố; các bệnh viện, nhà máy nước, trạm phát sóng viễn thông, các mỏ than; khu du lịch Bãi Cháy…
Tuy nhiên, 1 số phường của thành phố Hạ Long vẫn chưa thể khôi phục cấp điện ngay. Nguyên nhân chính là trạm biến áp 110kV Hà Tu, trạm biến áp có nhiệm vụ cấp điện cho các phụ tải ngành Than trên địa bàn thành phố và khu vực Hòn Gai đang gặp sự cố rất lớn, trong đó có 1 cột sắt 110kV bị gãy đổ. Công ty Điện lực Quảng Ninh đang tích cực phối hợp với các đơn vị để tập trung khắc phục sự cố liên quan đến trạm biến áp 110kV Hà Tu trong thời gian sớm nhất.
Ghi nhận tại thành phố Hạ Long, ngày 10/9, một số khu vực trung tâm Hòn Gai và khu vực Bãi Cháy đã được cấp điện trở lại. Đến trưa ngày 11/9, nhiều khu dân cư của thành phố Hạ Long vẫn chưa được cấp điện trở lại.
Công an tỉnh Quảng Ninh ra quân cùng người dân khắc phục hậu quả bão số 3. |
Theo báo cáo nhanh của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh, bão số 3 gây hư hỏng nặng tại nhiều trạm, nhà máy cấp nước, hệ thống đường ống dẫn nước, nhất là ở các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Móng Cái… dẫn đến việc mất nước.
Công ty đã huy động toàn bộ nhân lực, nỗ lực khắc phục sự cố đảm bảo cấp nước đối với các khu vực, đơn vị trọng yếu như trạm y tế, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị, máy móc tiến hành sửa chữa, nỗ lực sớm cấp nước ổn định cho người dân. Kết quả, đến ngày 10/9, các phường trên địa bàn thành phố Hạ Long đã được cấp nước sinh hoạt trở lại, cơ bản các khu vực trên địa bàn tỉnh được cấp nước.
Không chỉ gây hư hỏng, thiệt hại nặng nề đối với hạ tầng ngành Điện, nước, bão số 3 càn quét đã làm hệ thống thông tin liên lạc toàn tỉnh Quảng Ninh bị tê liệt.
Ông Phan Văn Phúc, Giám đốc VNPT Quảng Ninh thông tin, đến 12 giờ ngày 8/9, mạng di động mất liên lạc 301/866 trạm BTS do mất điện, đứt cáp quang, đổ cột. Trên 27.000 thuê bao internet mất liên lạc; 12 cột Anten bị đổ. Ngoài ra, bị mất liên lạc đối với mạng quang trục nội tỉnh; nhà trạm bị ảnh hưởng hư hại, vỡ kính, tốc mái, dột nước 6 trạm viễn thông.
Ngay sau bão, VNPT Quảng Ninh đã cử cán bộ, công nhân đi các địa phương tiến hành khắc phục hư hại, trong đó tập trung sửa chữa khắc phục các trạm BTS ở khu vực trung tâm, tiếp theo sẽ sữa chữa diện rộng tất cả các địa phương. Từ ngày 9/9, tăng cường khoảng 150 cán bộ viễn thông tinh nhuệ từ các địa phương khác sang Quảng Ninh để hỗ trợ khắc phục toàn tỉnh.
Ông Đào Như Quỳnh, Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết, do tác động của bão số 3, toàn bộ hệ thống tuyến truyền dẫn cả ngầm và treo đều bị đứt do sạt đường và cây đổ. Toàn tỉnh bị đổ 26 cột anten làm ảnh hưởng 26 trạm BTS. Đến tối ngày 8/9 đã phát sóng được 80%. Hiện các lực lượng của đơn vị vẫn đang nỗ lực để khắc phục hậu quả, khôi phục kết nối thông tin liên lạc.
Trong nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão của các cấp các ngành toàn tỉnh nhằm đảm bảo những sinh hoạt thiết yếu sớm nhất cho người dân, ngành Y tế Quảng Ninh cũng đang căng mình ứng trực, thực hiện tốt nhất công tác khám, chữa, cấp cứu, điều trị cho người bệnh; cơ sở vật chất, thuốc men được tăng cường, không để xảy ra tình trạng gián đoạn.
Các y, bác sỹ sẵn sàng túc trực 24/24h, thu dung bệnh nhân cấp cứu, khám bệnh; tăng cường đội ngũ có chuyên môn vững, trình độ cao ứng trực, hạn chế bệnh nhân phải chuyển tuyến; tất cả người bệnh bị tổn thương trong và sau bão đều được tiếp cận với hệ thống y tế. Đồng thời, theo dõi diễn biến phức tạp của mưa bão để nắm bắt tình hình và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cần thiết triển khai cứu thương, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có mưa lớn, cảnh báo có dông lốc, lũ quét. Tại cuộc họp giao ban mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho người dân và sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Theo đó, các Sở, ngành, địa phương tập trung rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để có phương án xử lý kịp thời khi mưa lớn, trong trường hợp cần thiết phải tổ chức sơ tán người dân đến nơi an toàn; chuẩn bị điều kiện cần thiết cho các hộ nằm trong diện sơ tán…
Đối với thành phố Hạ Long, là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau khi bão số 3 đi qua, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh: Việc khắc phục hậu quả của cơn bão để đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp quay trở lại bình thường sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố trong thời điểm này.
Với tinh thần vượt lên sau bão, ngày 9/9, UBND thành phố Hạ Long đã phát động chiến dịch cao điểm trong 7 ngày để toàn thành phố tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các trục đường chính. Dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, an sinh xã hội, cứu nạn cứu hộ; quyết tâm hoàn thành công tác dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường trước ngày 12/9/2024. Các cán bộ trong Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo UBND sẽ chịu trách nhiệm đối với từng địa bàn được phân công.
Để chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất, thành phố Hạ Long sẽ phát huy mô hình của trên 200 tổ tình nguyện các thôn, khu và huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, để mỗi người dân cũng là một chiến sỹ; kêu gọi toàn thể người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay khắc phục thiệt hại tại gia đình, trụ sở cơ quan, đơn vị và tổ dân, khu phố.
Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết, toàn thành phố đã và đang huy động tổng lực “để trong thời gian sớm nhất, Hạ Long sẽ lấy lại hình ảnh của thành phố di sản, thành phố du lịch và củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân”.
Một số hình ảnh chiến dịch cao điểm 7 ngày dọn dẹp thành phố Hạ Long sau bão số 3:
Nguồn: Báo xây dựng