Quảng Ninh: Đền thờ vua Lê Lợi nhiều điển tích

(Xây dựng) – Ở Xóm Mũ, thôn Đống Chợ, xã Lê Lợi thuộc khu Bắc Cửa Lục, TP Hạ Long có ngôi đền cổ thờ vua Lê Lợi. Công trình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Ngày xuân, cửa đền hương bay khói tỏa, sớm chiều rộn ràng tiếng trống – chiêng trảy hội níu chân du khách.

quang ninh den tho vua le loi nhieu dien tich
Đền thờ vua Lê Lợi duy nhất ở Quảng Ninh tại thôn Đống Chợ, xã Lê Lợi, TP Hạ Long.

Đây là ngôi đền có nhiều điển tích lịch sử, lưu giữ nhiều cổ vật, VLXD thời xa xưa. Một ngôi đền duy nhất ở Quảng Ninh thờ vua Lê Lợi, nhà vua sáng lập ra triều đại Hậu Lê, người khai sáng binh pháp vệ quốc trường kỳ từ thời Nhà nước phong kiến Việt Nam với tráng ca: “Mười năm kháng chiến chống quân Minh”. Đất nước ta khi còn giặc ngoại xâm, Bác Hồ dạy: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi…”. Lê Lợi, một người anh hùng của dân tộc, đang được đề nghị là Tổ Trung Hưng thứ hai của Việt Nam.

Ngôi đền có nét quy hoạch – kiến trúc đặc trưng nghè, miếu, đền đài, lăng tẩm, công trình văn hóa thờ tự cổ đại ở Việt Nam, trên diện tích 2 ha. Thần phả thất lạc, tục truyền ngôi đền xây dựng vào thời Lê Trung Hưng hoặc thời nhà Mạc, bởi cổ vật lưu giữ tại đền còn 12 tảng đá lớn kê chân cột và nhiều gạch ngói VLXD niên đại thời Hậu Lê, và 14 đồ dùng bằng sành sứ thời nhà Mạc. Bức tượng Lê Lợi tạc bằng lõi mít cổ thụ, lớn đến hai người ôm không xuể. Tương truyền, trong một trận mưa to gió lớn, khúc gỗ từ biển trôi dạt vào đất này cùng thời điểm quan huyện cho dân làng xây đền, người sùng tín cho là điềm lành trời phú, bèn trục vớt đưa vào bờ rồi dùng để tạc tượng Lê Lợi.

Theo văn bia, ngôi đền đã 5 lần trùng tu xây dựng lại. Tòa chính điện hình chữ nhị, gồm 3 gian bái đường và 3 gian hậu cung, có sân đền, cổng đơn cổ kính, không tam quan như công trình thờ tự sau này. Đại tự trên nghi môn có 3 chữ nôm tạc nổi, tạm dịch “Tối Linh Từ”. Tả hữu cột trụ nghi môn có cặp câu đối, tạm dịch một vế đối là: “Đến chiêm bái lời cổ nhân sáng tỏ”, vế đối kia là “vào tất rõ đền miếu đẹp hiển nhiên”. Qua cổng nghi môn là sân đền có lư hương và bàn thờ trung thiên, tiếp đến là bậc tam cấp với 2 ông voi đá cổ chầu lưỡng bên bài. Gian bái đường thoáng rộng, tiền đường phía trên xà có treo 1 đại tự bằng gỗ Gụ, chạm rồng chầu nhật nguyệt khắc 4 chữ nôm cổ màu đồng hun tạm dịch: “Thượng đẳng tối linh”, có nghĩa là: Vị thần được thờ ở đây đã được đạo sắc phong là Thượng Đẳng Thần và vị thần này rất linh ứng. Phía ngoài khuôn viên có tường bao quanh, tạo thành một không gian biệt lập, đầy vẻ thiêng liêng cổ kính.

Đền thờ vua Lê Lợi ở bờ bắc vịnh Cửa Lục, một vùng đất trầm tích lịch sử văn hóa, với huyền thoại dấu chân ông khổng lồ gánh đá vá trời. Nơi đây còn lưu tích chính sử bến Đồng, bến gạo rang trong chuỗi thương cảng Vân Đồn có từ thời nhà Lý (Triều Nguyễn, quần đảo Vân Hải cương vực thương cảng Vân Đồn còn thuộc huyện Hoành Bồ). Thời Nhà Trần, Trần Khách Dư từng ém quân ở đây rồi phục binh làm nên trận hải chiến Lục Thủy kinh điển năm 1288. Nhà Mạc thì dựng thành Xích Thổ ở đây. Hiện dấu tích tường thành còn rõ nhất trong hệ thống thành quách phòng thủ chiến lược của nhà Mạc ở vùng Đông Bắc này…

Đền chính thần thờ Lê Lợi có phối thờ Lê Lai, Nguyễn Trãi và Thành hoàng làng. Dân địa phương còn phát tâm xây dựng miếu thờ nữ thần đã giáng trần giúp dân, giúp nước ngày ấy giả làm người chết rồi biến thành con cầy, đánh lạc hướng quân địch cứu nguy cho Lê Lợi. Vị nữ thần ấy dân truyền tục gọi là bà Lê Thị Út và gọi lăng thờ tự là miếu thờ Bà Chúa.

Đền thờ Lê Lợi là một trong những Di tích lịch sử văn hóa có nhiều sắc phong nhất ở Quảng Ninh, với 5 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến khác nhau. Riêng Nhà Nguyễn có 2 sắc phong, một sắc phong năm 1821 và một sắc phong năm 1846. Sắc phong của vua Gia Long ban năm 1821, truy phong mỹ tự “Gia tặng Thượng đẳng thần” và chiếu chỉ cho tổng Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên (trước kia là Lộ An Bang) giữ lễ phụng thờ, hương ước chính lễ rước thần vào rằm tháng 11 thường niên.

Một số người dân xã Lê Lợi cho biết, Tổng Bí thư Lê Duẩn có lần về thăm và làm việc ở Quảng Ninh đã vào thăm đền Lê Lợi, còn có tư cách là hậu duệ của dòng họ Lê, đã dâng hương kính bái và đã có ý kiến cho trùng tu lớn ngôi đền này.

Với trầm tích lịch sử, đền Lê Lợi gợi cho người dân Hạ Long và Quảng Ninh một sử tích đáng tự hào. Nơi rồng xuống, có thổ đất Lê Lợi cắm lưỡi gươm xuống đất, nguyện thề vệ quốc với non sông khi còn khởi binh đánh giặc. Thủ đô Hà Nội, đất Thăng Long, nơi rồng thăng thiên khi dẹp giặc xong, Lê Lợi thả gươm xuống đáy nước, nay là hồ Hoàn Kiếm… Quả là một cặp điển tích ngẫu nhiên thú vị.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích