Quảng Ninh: Đề nghị xếp di tích Quốc gia đặc biệt cho thương cảng Vân Đồn

Quảng Ninh: Đề nghị xếp di tích Quốc gia đặc biệt cho thương cảng Vân Đồn

MTĐT –  Chủ nhật, 25/09/2022 10:35 (GMT+7)

Ngày 24/9/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn”.

Tới tham dự hội thảo có, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng đại diện một số cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học Trung ương.

Về phía tỉnh Quảng Ninh có ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh; ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Vân Đồn; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện các nhà đầu tư.

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; bổ sung căn cứ khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

tm-img-alt
Toàn cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Internet)

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá giá trị toàn diện của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn (về cảnh quan và môi trường, lịch sử, giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các vấn đề liên quan đến con đường giao thương hàng hải, kinh tế biển, quân sự…) để xác định các tiềm năng phát triển của địa phương gắn với các giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói chung; nghiên cứu, xác định phạm vi không gian di tích.

Hội thảo nhận được hơn 30 bài viết tham luận của nhóm chuyên gia quốc tế (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ); của cơ quan nghiên cứu T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, trên lãnh thổ của đất nước Việt Nam, vùng biển đảo Đông Bắc có vị thế địa – kinh tế, địa – chiến lược hết sức quan trọng.

tm-img-alt
Ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo  (Ảnh: Internet)

Với diện tích 126.250 km2, Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh biển lớn của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Trong lịch sử, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, do tích hợp được những điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế và môi trường văn hoá phong phú, đã sớm hình thành nên nền văn hoá biển Hạ Long nổi tiếng.

Khi trang Vân Đồn được vua Lý Anh Tông (1009-1225) khai mở năm 1149, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá, thu thuế và căn cứ phòng vệ

Sau những biến động của lịch sử, Thương cảng Vân Đồn trở thành địa bàn có vị trí chiến lược không chỉ với vùng Đông Bắc mà còn trọng trấn bảo đảm an ninh cho kinh đô Thăng Long và đất nước.

Trong lịch sử, vùng Đông Bắc mà trọng tâm là tỉnh Quảng Ninh, luôn là một trong những đầu mối phát triển kinh tế đối ngoại, đồng thời là nơi đón nhận, chịu tác động thường xuyên của các khuynh hướng, trào lưu chính trị, văn hoá và sự xâm nhập của các thế lực bên ngoài.

Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu đạt được trong thời gian qua, Hội thảo khoa học tổ chức ngày hôm nay là một bước tiến mới, nhằm hướng đến những nhận thức khoa học ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về Thương cảng Vân Đồn và những đặc trưng, giá trị của một không gian văn hoá.

Đồng thời, chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc kiến tạo các hành lang phát triển mới, tổ chức lại các không gian phát triển, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Đưa Khu kinh tế Vân Đồn – một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước”.

Hội thảo được tổ chức với nội dung công bố các kết quả, thành tựu nghiên cứu về Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn từ kết quả các dự án khai quật khảo cổ học, điền dã và hợp tác quốc tế.

Thảo luận, đánh giá giá trị toàn diện của Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn như các vấn đề về: cảnh quan và môi trường, lịch sử, giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các vấn đề liên quan đến con đường giao thương hàng hải, kinh tế biển, quân sự,…

Bổ sung căn cứ khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Kết quả chuyên môn của Hội thảo khoa học sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh – vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và thương cảng quốc tế Vân Đồn – một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước.

Cũng tại hội thảo, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đã đưa ra tham luận về Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn.

Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhận định là một thương cảng lớn, hoạt động liên tục, Vân Đồn có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự nghiệp phát triển, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ, bang giao của quốc gia Đại Việt.

Cùng với hệ thống cảng biển, thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các cảng vùng cửa sông với vùng Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Yên, Cát Bà và các làng nghề truyền thống như: nghề đóng thuyền, nghề dệt, chế tác gốm sứ, ngọc trai, làm nón, chế biến thủy hải sản… cùng nhiều ngành, nghề thủ công khác trải dọc vùng duyên hải và tập trung ở châu thổ sông Hồng.

tm-img-alt
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ về vị thế của Thương cảng Vân Đồn tại Hội thảo. (Ảnh: Internet)

Thương cảng Vân Đồn trở thành địa bàn có vị trí chiến lược không chỉ với vùng Đông Bắc mà còn là trọng trấn bảo đảm an ninh cho kinh đô Thăng Long và đất nước.

Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các phương án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn phải được đặt trong tầm nhìn và chủ trương phát huy giá trị di tích để từ đó xây dựng luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn văn hóa, đồng thời rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt là chủ trương phát triển kinh tế biển xanh mà Quảng Ninh đang thực hiện và định hướng phát triển cảng biển Vân Đồn trong giai đoạn tới.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần có cơ chế mô hình hợp tác công tư trong bảo tồn văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn nói riêng.

Các ý kiến tham luận cũng tiếp tục làm sáng tỏ những luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển Vân Đồn gắn với các giá trị di sản, phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đồng thời đưa Khu kinh tế Vân Đồn – một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh – sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc.

Hoài Thu (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích