Quảng Ninh: “Cụ” nhà bách niên, bí quyết “trường thọ”
(Xây dựng) – Trên đất điểm đầu chữ S hình địa đồ Việt Nam, Quảng Ninh hiện còn sử dụng hàng trăm công trình xây dựng đã trên 100 năm nay nhưng vẫn còn tốt. Nhiều người đặt ra câu hỏi, các “cụ” nhà bách niên này có bí quyết gì để “trường thọ”?
Tòa nhà số 91 đường Lê Thánh Tông (Hạ Long), Liên đoàn Lao động Quảng Ninh đang quản lý sử dụng, công trình xây dựng năm 1896. |
Câu trả lời còn bỏ ngỏ, nhưng vấn đề có liên quan đến công tác quản lý công trình, kỹ thuật xây dựng… thì phóng viên Báo điện tử Xây dựng chợt nhớ mình đã từng nghe một lãnh đạo lão thành ngành Xây dựng Quảng Ninh chia sẻ, vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ngành Xây dựng địa phương đã nhận được văn bút của một tổ chức kiến trúc sư phi Chính phủ của nước Pháp, thông tin cho ta về những công trình xây dựng mà họ để lại đã hết thời hạn sử dụng.
Trụ sở UBND thị xã Quảng Yên, nguyên là Dinh tỉnh trưởng Quảng Yên xây dựng khoảng năm 1888-1890. |
Ban tiếp công dân của huyện Ba Chẽ sử dụng tòa nhà xây dựng năm 1912. |
Ngành Xây dựng Quảng Ninh đã tham mưu cho tỉnh kiểm đếm, đánh giá thực trạng kỹ thuật các công trình này, để có phương án gia cường, gia cố và dỡ bỏ nếu những công trình xây dựng đã cũ không còn đảm bảo an toàn. Nhưng thật bất ngờ, loại trừ những công trình bị chiến tranh, thiên tai tàn phá… những tòa nhà được khuyến cáo ấy lại đang được sử dụng.
Xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn) hiện còn 3 tòa nhà dân dụng đang sử dụng, công trình xây dựng từ 1910-1918. |
Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Quảng Yên, đang sử dụng tòa nhà xây dựng năm 1925. |
Song, qua đây ta cũng hiểu thêm vấn đề về công tác quản lý kiến trúc, đô thị cách đây trên 100 năm họ đã lập ra sổ bộ theo dõi từ ngày “khai sinh” tới ngày “khai tử” từng công trình, lưu giữ hồ sơ thiết kế xây dựng rất bài bản, chặt chẽ.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Mai ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ (Móng Cái) xây dựng năm 1916. |
Nhà hầm xây dựng năm 1898, ở Khu II phường Bãi Cháy, Hạ Long. Hiện Đoàn an dưỡng 22 Hạ Long đang sử dụng. |
Về kỹ thuật xây dựng, theo ông Ngô Quang Trinh – cố Trưởng ty Nhà đất thời mới tiếp quản Khu mỏ (phu hồ thời thuộc Pháp lưu dung) cho biết: Trước khi đổ những mẻ bê tông, cai xây dựng phải dùng vải trắng thoa nhẹ vào phần khung cốt thép, sắt thép không còn màu hoen rỉ mới được đổ vữa xi măng. Cát, sỏi cốt liệu bê tông được thau rửa rất kỹ. Ngày ấy, mạt đá không nằm trong danh mục thành phần cốt liệu bê tông, mà phải là sỏi già, có cường độ chịu lực cao.
3 cầu sắt và 2 đường hầm xuyên núi ở xã Vạn Yên (Vân Đồn), xây dựng trong thời kỳ đầu khai mỏ than Kế Bào (1888-1911) vẫn được sử dụng làm đường khu dân cư. |
Giá trị công trình được kết tinh bằng chất lượng, khối lượng vật liệu xây dựng và nhân công. Hiện nay, dư luận cộm lên vấn đề bỏ thầu công trình xây dựng cao, hay thấp, tiết kiệm được bao nhiêu tiền! Kết quả đấu thầu các gói thầu không phản ảnh thực chất giá trị công trình, mà còn bộc lộ vấn đề xây dựng định mức vật tư, lao động không sát.
Lý giải trên đã gợi mở câu trả lời về chất lượng công trình tốt hay xấu phụ thuộc vào công tác quản lý, chất lượng về kỹ thuật xây dựng. Đó là một phần bí quyết mà các “cụ” nhà bách niên “trường thọ”.
Nguồn: Báo xây dựng