Quảng Ninh: Công trình trăm tỷ bỏ hoang trên đảo vắng
(Xây dựng) – Gần đây, dư luận cộm lên thông tin trên quần đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) có một công trình xây dựng làm nghèo đất nước. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã thực tế hiện trường và thấy rằng “có lửa mới có khói”.
Trại giống thủy sản Vân Đồn bỏ hoang trên đảo Cỏ Ngoài – đảo không có người ở thuộc xã Vạn Yên. |
Tên công trình xây dựng này là vùng sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn, ngư dân ở đây quen gọi là Trại giống hàu hà nằm trên đảo Cỏ Ngoài (một đảo nhỏ không có người ở) thuộc xã Vạn Yên. Theo Văn bản số 38/TTr-TL, ngày 6/5/2010 của Công ty TNHH Thương mại Tân Lập trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư cũng ghi: Dự án xây dựng trại ươm giống, nuôi thủy sản (trại giống thủy sản).
Khởi đầu, ngày 19/10/2010, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có Quyết định phê duyệt danh mục dự án phát triển giống thủy sản thời kỳ 2011-2015, có Dự án hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn (hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển giống hầu chất lượng cao), danh sách thứ 28 trong danh mục dự án phát triển giống thủy sản. Quy mô đầu tư vùng dự án khoảng 300ha có 292ha mặt nước, tổng mức đầu tư dự án là 230,12 tỷ đồng. Nguồn vốn và cơ cấu đầu tư: Vốn ngân sách Trung ương 165,32 tỷ đồng và vốn huy động khác 64,80 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án là đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng khu sản xuất giống nhuyễn thể gồm: Tu hài, hầu Thái Bình Dương, bào ngư, ngao giá, ngọc trai… nhân giống tập trung theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Với quy mô công suất hàng năm là 1,5 tỷ giống nhuyễn thể sạch bệnh, chất lượng cao, cung cấp cho vùng nuôi thương phẩm của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh ven biển Bắc bộ.
Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 3461/QD-BNN-TCTS ngày 6/8/2014; phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 4987/QĐ-BNN-TCTS ngày 29/11/2017. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 204,76 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Trung ương 104,13 tỷ đồng, ngân sách địa phương 38,33 tỷ đồng và vốn huy động khác 62,31 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý vốn, kỹ thuật, chất lượng, tiến độ và giám sát quá trình thực hiện theo các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lập phương án tổ chức quản lý sau đầu tư, bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng các quy định hiện hành.
Hiện, các hạng mục đầu tư công của dự án (hạng mục thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước) đã được đầu tư hoàn thành và phê duyệt quyết toán với giá trị 136,56 tỷ đồng (Quyết định phê duyệt quyết toán số 122/QĐ-TCTS-KHTC ngày 24/02/2020 của Tổng cục Thủy sản), trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương 101,34 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh 35,22 tỷ đồng. Các hạng mục xây dựng gồm: Tuyến kè biển, san nền, hệ thống giao thông và kho bãi, điện nước tiêu dùng và hệ thống thoát nước rác thải, nạo vét luồng tàu, phao tiêu, khu nhà điều hành, cụm nhà ở công vụ và nhà ăn, nhà bảo vệ, sân đường nội bộ, tường rào cổng ra vào, thiết bị công nghệ… trên diện tích đất 22,704m2.
Quỹ đất đã tạo mặt bằng trù bị để đầu tư trại nhân giống, các công trình phục vụ sản xuất giống diện tích 53.296m2; công trình để nhà đầu tư tiếp tục xây dựng cho tái sản xuất mở rộng là 277,29m2. Dự kiến phần đầu tư tiếp ngoài ngân sách để phục vụ cho việc quản lý vận hành khai thác hạ tầng đã có nói trên tổng kinh phí là 62.306.166.000 đồng, bao gồm các hạng mục: Kè chống sạt lở, hệ thống cấp nước sản xuất, xử lý nước thải, sân bãi kho tàng, cải tạo vùng ươm giống cấp 1; xây dựng trại sản xuất giống, thiết bị kiểm định giống…
Đã nhiều năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi nhà đầu tư quản lý, vận hành dự án này theo hình thức đối tác công tư và đã có 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Trong đó, 2 doanh nghiệp sáng giá về năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn là Công ty TNHH Quan Minh và Công ty TNHH Thương mại Tân Lập. Họ đã từng theo đuổi dự án và từng trúng các gói thầu xây dựng công trình này từ năm 2012, nhưng chiếu theo luật định về công trình đầu tư bằng ngân sách diện đầu tư công quản lý tư, hoặc công tư hợp doanh còn nhiều vướng mắc.
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công, không có lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; theo Luật biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, không quy định việc đấu giá quyền sử dụng khu vực biển.
Chính phủ mới ban hành 6 Nghị định quy định về quản lý, sử dụng và khai thác 6 loại kết cấu hạ tầng. Theo đó, mỗi loại tài sản kết cấu hạ tầng có phương án giao, khai thác, thẩm quyền quyết định xử lý tài sản khác nhau. Chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể với tài sản kết cấu hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện.
Công trình đầu tư bằng ngân sách 136,56 tỷ đồng còn dở dang, cần đầu tư tiếp khoảng 62,31 tỷ đồng, nhưng vướng mắc về cơ chế đang bỏ hoang. |
Các doanh nghiệp đầu tư vào Dự án trại sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn cần đầu tư tiếp vào xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 62,31 tỷ đồng. Chưa kể tiền đầu tư các tàu thuyền vận tải, các thiết bị thí nghiệm, hóa chất, các máy móc phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm, hệ thống lồng, bè, lưới… Doanh nghiệp thuê lại cơ sở hạ tầng đầu tư bằng ngân sách hình thành trong tương lai (đầu tư dở dang) không được cấp quyền sử dụng đất, thì họ không “mặn mà” đầu tư. Cơ quan Nhà nước vướng mắc về cơ chế có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nên có mới xảy ra việc công trình hàng trăm tỷ đầu tư bằng ngân sách đã bỏ hoang trên đảo vắng. Những công trình đầu tư không tính toán, gây thiệt hại cho ngân sách như trại giống thủy sản ở huyện đảo Vân Đồn này cần gỡ ngay nút thắt, để phát hiệu quả đầu tư…
Nguồn: Báo xây dựng