Quảng Ninh chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Quảng Ninh chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Là tỉnh ven biển, nhiều đồi núi, Quảng Ninh chịu nhiều ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Vì vậy, công tác phòng chống thiên tai luôn được tỉnh thực hiện nghiêm túc.
Chia sẻ tại Hội nghị thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức ngày 27/8, ông Nguyễn Văn Đức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, việc quán triệt, tuyên truyền về nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) được tổ chức, triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong hệ thống chính trị của Tỉnh. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Công tác tổng kết nhiệm vụ PCTT-TKCN hằng năm được thực hiện ngay từ đầu mùa mưa bão. Trong đó chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác PCTT-TKCN; Kiểm tra công trình PCTT và xác định những khu vực nguy hiểm, trọng điểm về PCTT-TKCN để xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó sát với thực tế, đúng phương châm “Ba trước, Bốn tại chỗ”; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, diễn tập và vận động, hướng dẫn Nhân dân hiểu biết, nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai; Nâng cao năng lực xử lý tình huống; chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó kịp thời, hiệu quả; Thực hiện nghiêm chế độ trực ban PCTT; Huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm về PCTT, bảo vệ dân cư ổn định sản xuất.
Trong mỗi tình huống thiên tai cụ thể, tỉnh đã ban hành các chỉ đạo ứng phó một cách kịp thời, phù hợp; các đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều đến tận hiện trường kiểm tra, chỉ đạo sát thực tiễn địa phương. Công tác huy động lực lượng ứng phó với các tình huống luôn được các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm và lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trong các năm vừa qua (2021 – 2023) đã huy động trên 12.369 lượt cán bộ chiến sỹ và 1.179 lượt phương tiện tham gia ứng phó thiên tai, sự cố.
Trong năm 2024, ứng phó với bão số 2 (từ 21-23/7) đổ bộ trực tiếp vào địa bàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ đạo và thành lập các đoàn công tác các lực lượng đã huy động 2.663 cán bộ chiến sỹ và xung kích phòng chống thiên tai, 151 phương tiện. Kêu gọi 5.954 tàu thuyền các loại và 2.481 người lao động tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản lên bờ an toàn. Đảm bảo 1.842 khách du lịch tại các tuyến đảo an toàn.
Bên cạnh đó, các địa phương triển khai tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở ngập lụt để giải quyết dứt điểm, tổ chức nạo vét các tuyến suối, hệ thống thoát nước đô thị để khắc phục tình trạng ngập lụt diện rộng, kéo dài.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh cũng đã lắp đặt 30 điểm đo mưa tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và thượng lưu các hồ chứa lớn để tăng cường khả năng, chất lượng cảnh báo thiên tai, đặc biệt mưa lớn. Cùng với 11 trạm khí tượng thủy, hải văn cơ bản do cơ quan Khí tượng quản lý và 45 điểm đo mưa tự động, đo mực nước của các đơn vị liên quan; kết nối với các trang thông tin của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và PTNT với nội dung và hình thức đưa tin đa dạng nên chất lượng dự báo, cảnh báo theo dõi, giám sát ngày càng được nâng cao phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó và người dân được cập nhật liên tục kịp thời đầy đủ.
Để đảm bảo công tác PCTT – TKCN trong thời gian tới, theo Nguyễn Văn Đức, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động Ban Bí Thư, của Chính phủ, của UBND tỉnh về tăng cường, chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai; Thành lập Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp và cơ quan tham mưu, hỗ trợ ra quyết định cho Ban chỉ huy phòng thủ dân sự ngay sau khi có hướng dẫn thực hiện chi tiết Luật Phòng thủ dân sự.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức kỹ năng cộng đồng về PCTT và TKCN. Tăng cường nâng cao chất công tác dự báo thông tin, cảnh báo về thời tiết, thiên tai phục vụ việc chỉ đạo phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo kịp thời, phù hợp.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động theo dõi, tổng hợp, báo cáo diễn biến thời tiết, thiên tai, nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan. Rà soát các phương án PCTT và TKCN của địa phương, đơn vị phù hợp, sát thực tiễn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng phó kịp thời khi có tình huống.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCTT và TKCN trên địa bàn, tổ chức kiểm tra các công trình PCTT trên địa bàn, rà soát các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để kịp thời xử lý. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tu bổ các công trình phòng, chống thiên tai để sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị