Quảng Ninh: Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô
Quảng Ninh: Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô năm 2022-2023.
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 430.000ha rừng, gồm: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, có trên 250.000ha rừng dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng thông, bạch đàn, keo và rừng hỗn giao tre, nứa. Đây là những loại cây có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa nếu cháy xảy ra trên diện rộng, nhất là vào thời điểm thời tiết hanh khô.
Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, trong năm 2022, 13/13 địa phương trong tỉnh đều đã tổ chức diễn tập chữa cháy rừng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức cũng như hành động của các cấp, ngành và nhân dân về công tác phòng, chống cháy rừng; đồng thời, nắm vững và củng cố những kiến thức cơ bản để vận dụng, xử lý các tình huống chữa cháy rừng. Đây cũng là điều kiện để nâng cao công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng cho các cơ quan, đơn vị và hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô năm 2022-2023. Trong đó, tập trung vào các biện pháp: Chỉ đạo Ban chỉ huy PCCC rừng cấp huyện tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCC; bố trí lực lượng canh phòng trực 10/24 giờ trong ngày đối với dự báo cháy rừng ở cấp III; 12/24 giờ đối với dự báo cháy rừng ở cấp IV; 24/24 giờ đối với dự báo cháy rừng ở cấp V; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao (đặc biệt chú trọng trong các giờ cao điểm). Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ rừng, các đối tượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thực hiện ngay các biện pháp vệ sinh, xử lý thực bì giảm vật liệu cháy đảm bảo các quy định về phòng cháy rừng; xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, người nhận khoán trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, thông báo cấp dự báo cháy rừng, khi xảy ra cháy rừng phải kịp thời triển khai các phương án chữa cháy để hạn chế thấp nhất thiệt hại…
Minh Tuấn (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị