Quảng Ninh: Bàn thêm về vụ việc xây dựng khu đô thị chồng lấn Di sản Hạ Long
(Xây dựng) – Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cư dân mạng có nhiều ý kiến về Dự án Khu đô thị tại 10B, Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh chồng lấn lên vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới. Mặc dù vậy UBND tỉnh Quảng Ninh, một số Bộ, ngành liên quan chưa có lời giải thích đầy đủ về việc làm nêu trên.
Vậy việc xây dựng dự án trên đúng hay sai? Ai chịu trách nhiệm?
Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thể giới lần thứ nhất tại Thái Lan năm 1994 với tiêu chí về vẻ đẹp cảnh quan. Năm 2000, vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO được công nhận lần thứ hai tại Hội nghị lần thứ 24 họp tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia với tiêu chí về giá trị địa chất, có diện tích, ranh giới vùng đệm chạy dài theo đường bờ biển từ thành phố Hạ Long tới Cẩm Phả.
Để bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản vịnh Hạ Long nói riêng và các di sản văn hóa trên toàn quốc, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để quản lý như: Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật Di sản văn hóa 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Theo quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009): “1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 2. Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.
Cũng theo Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa: “Khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường – sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích”.
Dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3787/QĐ-UBND ngày 29/10/2021 với tổng diện tích 31,82ha. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, khu đất đề xuất thực hiện dự án nằm ở hạ lưu suối Lộ Phong giáp ranh với thành phố Hạ Long, thường xuyên ứ đọng bùn đất khi mưa bão, gây mất mỹ quan khu vực giáp vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Do vậy, việc đề xuất đầu tư khu đô thị với mục tiêu đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, là điểm nhấn kiến trúc đô thị nằm cửa ngõ phía Tây thành phố Cẩm Phả, sẽ góp phần bảo đảm nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt cho người dân đô thị, tạo cảnh quan xanh cho môi trường đô thị, môi trường biển đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch Quảng Ninh nói chung và thành phố Cẩm Phả nói riêng.
Theo Quyết định số 5099/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Khu đô thị 10B, tổng diện tích nghiên cứu Quy hoạch chi tiết là 318.21,9m2 (khoảng 31,8ha). Trong đó, khu vực đất ở, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật có diện tích là 268.684,2m2 (26,8ha); khu vực cây xanh cách ly có diện tích là 49.526,7m2 (4,95ha).
Ranh giới lập quy hoạch được xác định bởi các điểm có tọa độ theo Bản đồ Quy hoạch Tổng mặt bằng sử dụng đất, cụ thể: Phía Đông giáp biển; Phía Tây giáp núi đá vôi, đầm Cây Giang; Phía Nam giáp suối Lộ Phong và vịnh Bái Tử Long; Phía Bắc giáp núi đá vôi.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đối chiếu ranh giới dự án với Bản đồ vịnh Hạ Long được phát hành theo số đăng ký KHXB: 6-472/CXB-QLXB ngày 18/6/1998, dự án có khoảng 3,88ha nằm trong ranh giới vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (khu vực bảo vệ II di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long).
Mặc dù, Quyết định chủ trương đầu tư của dự án do UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 29/10/2021; Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án ngày 16/9/2021 nhưng tới ngày 20/02/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới có Công văn số 507/BVHTTDL-KHTC về việc góp ý kiến thỏa thuận Khu đô thị 10B tại thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh. Văn bản này cũng viện dẫn nhiều văn bản quy phạm pháp luật về việc bảo vệ di tích, song nội dung chính cơ bản đã đồng ý chấp thuận 3,88ha của đô thị chồng lấn lên khu bảo vệ II của di tích vịnh Hạ Long.
Qua các thủ tục pháp lý của dự án cho thấy, dự án xây dựng Khu đô thị 10B cơ bản đã đảm bảo về mặt pháp lý để triển khai xây dựng. Trách nhiệm không thuộc về chủ đầu tư mà trách nhiệm chủ yếu thuộc về các ngành chức năng và UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu dự án không được triển khai thì hậu quả pháp lý sẽ rất lớn, doanh nghiệp có thể phá sản; UBND tỉnh Quảng Ninh phải hoàn lại tiền đất, đấu giá cho doanh nghiệp, phải bồi thường những việc mà doanh nghiệp đã thực hiện. Tổ chức, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm chính về việc gây hậu quả thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp?
Để làm rõ vấn đề này, trước hết cần xem lại đô thị 10B có trong quy hoạch xây dựng chung được cấp thẩm quyền phê duyệt hay không? Nếu trong quy hoạch chung có dự kiến lấp biển để xây dựng khu đô thị 10B thì UBND tỉnh Quảng Ninh có xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về việc này chưa?
Trong quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã khoanh vùng bảo vệ II chưa? Đã thực hiện cắm mốc giới theo quy định của pháp luật về việc bảo vệ vùng di tích chưa?
Cần rà soát lại quy hoạch xây dựng chung thành phố Hạ Long với quy hoạch chi tiết bảo tồn phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long có sự chồng lấn trong việc xây dựng các khu đô thị, các công trình mới hay không?
Đây là việc làm hết sức cần thiết để tránh tình trạng lấn biển thiếu quy hoạch chồng lấn di tích giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Lấn biển là việc làm đã có hàng thế kỷ nay của nhiều nước trên thế giới như: Singapore, Nhật Bản thậm chí cả Mỹ và rất nhiều nước có biển. Bởi vì hàng năm, hệ thống sông biển đã lấy đi nhiều nghìn ha đất của lục địa và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mỗi năm biển và sông ngòi cũng lấy đi của chúng ta hàng trăm ha đất liền. Vì vậy, việc lấn biển để lấy lại phần đất đã mất cũng là chuyện cần làm.
Quảng Ninh cũng đã thực hiện nhiều dự án lấn biển, cải tạo những vùng đất sình lầy tạo quỹ đất phát triển đô thị. Đặc biệt tại thành phố Hạ Long, từ việc cải tạo những vùng đất sình lầy, ô nhiễm ven biển đã tạo ra một đô thị rộng hơn, đẹp hơn với hàng loạt công trình hạ tầng văn minh, hiện đại cơ hội để đón khách du lịch như: Đường bao biển, đảo Tuần Châu, Khu đô thị Hùng Thắng, Khu đô thị Vựng Đâng…. Nhưng những dự án lấn biển những năm qua cũng để lại những hậu quả pháp lý phức tạp. Điển hình như việc bồi thường cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản tại Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh (Hải Phòng). Nhiều năm nay cứ đến ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 là Thương binh Hải Phòng lại có đơn thư gửi các cơ quan Trung ương và địa phương về việc không được bồi thường thỏa đáng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 40 ha đầm và hạ tầng nhà xưởng…
Như vậy, lấn biển là việc cần làm cần thiết, nhưng việc lấn biển phải được nghiên cứu quy hoạch trên nhiều phương diện và phải gắn với quy hoạch của quốc gia trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cần giao cho một số Bộ, ngành phối hợp với các tỉnh có biển để thực hiện lập quy hoạch lấn biển theo từng giai đoạn. Không nên để tình trạng lấn biển xảy ra tự phát và gây ra những hậu quả không đáng có như tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh khác như thời gian qua.
Nguồn: Báo xây dựng