Quảng Ninh: “Bài toán” khó giải cho giàn đèn Hạ Long
(Xây dựng) – Dự án đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật tại một số vị trí ven bờ vịnh Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ tháng 2/2010, với tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Năm 2011, đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch về ban đêm cho du khách thưởng thức.
Cũng “hót” hay như trăm, ngàn dự án nhưng dự án này lại xót xa hơn bởi nó đang trở thành “tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Đó là hiện tượng sau cả chục năm trời với nhiều tiền của, mồ hôi, công sức của nhà thầu là Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Amecc (LISEMCO 2) và Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm đã và đang trở nên trắng tay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Hữu Nghị – một người thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long – Cơ quan thay mặt UBND tỉnh Quảng Ninh quản lý, giám sát, đại diện chủ đầu tư của dự án chua xót: “Có thể gọi là “quả đắng đầu tư anh ạ”! Em được biết chủ thầu đã biếu không, cho không tỉnh dự án này rồi. Họ không thu lại đồng nào. Tuy nhiên, em được biết một cán bộ có trách nhiệm của Ban Quản lý vịnh Hạ Long phải chịu chung với họ 40% giá trị công trình vì ông này đã ký kết hợp đồng gì đó với họ. Cũng thương ông ấy, chả được lợi gì tự dưng mất hàng chục tỷ. Đó cũng là bài học kinh nghiệm của cán bộ khi ngồi “ghế to” mà chưa đủ kinh nghiệm đấy”.
Ngán ngẩm cho cụm giàn đèn đầu tư thì tốn kém mà lâu ngày chả thấy hoạt động, ông Trần Công Khanh – cựu cán bộ đã công tác trong ngành Tư pháp nói: “Cái giàn đèn này nếu thấy không gây ra hậu quả gì về tài chính, môi trường, cảnh quan thì nên giữ lại coi nó chính là một “chứng tích”.
Nhà thơ Phạm Kim Minh thì thẳng thắn: “Việc đầu tư giàn đèn chiếu sáng bọc xung quanh các núi trên vịnh như thế là nhúng bàn tay thô bạo của con người vào thiên nhiên. Giờ chủ thầu đã từ chối nhận số tiền đầu tư thì chúng ta nên cân nhắc tháo dỡ nó đi nếu thấy lợi ích không nhiều”.
Nhà văn Nguyễn Đức Ngạn lại có ý kiến: “Xét về số tiền hơn trăm tỷ đã đầu tư cả chục năm nay là khá lớn. Doanh nghiệp cũng như người dân, cũng xót xa như nhau cả thôi. Nếu thấy họ đúng thì dù họ có tự nguyện cho ta cũng không nỡ lấy hết như thế mới đạt cái tình. Còn về dự án cũng nên thành lập Hội đồng đánh giá chất lượng, tác động môi trường nếu thấy tốt thì giữ lại để dùng nếu không thì cũng nên dỡ bỏ đi”.
Chủ một công ty kinh doanh tàu du lịch, ông Bùi Thắng Lợi có ý kiến: “Với số tiền đã đầu tư đến 140 tỷ đồng cộng với lãi suất của cả chục năm nay mà chủ thầu “biếu” lại tỉnh cũng là chuyện lạ đấy. Cái quan trọng là sau đó nên đánh giá lại chất lượng, giá trị công trình để xem có cần giữ lại quản lý vận hành thêm nữa hay không. Nếu tốt, nếu đúng thì nên tiếp tục sử dụng và cũng không nên để chủ thầu chịu thua, thiệt tốn kém như vậy”.
Công bằng mà nói, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh bứt lên như diều bởi hàng loạt dự án đầu tư mang tầm chiến lược rất hiệu quả. Tuy nhiên, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật bên bờ vịnh Hạ Long tại khu Quảng trường ai cũng nhận thấy nó chưa hiệu quả, chưa thực sự đẹp như mong muốn khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Rất mong tỉnh Quảng Ninh sớm giải “bài toán khó” này để có kết quả trả lời cho nhân dân yên tâm.
*(Tên các độc giả đã được thay đổi).
Nguồn: Báo xây dựng