Quảng Ngãi: Xử phạt hộ kinh doanh ngoại tệ trái phép, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu

Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện doanh nghiệp tư nhân hiệu vàng HT (TP Quảng Ngãi) có hành vi mua bán nhiều loại ngoại tệ như đồng Đô la Mỹ, Yên Nhật, đô la Úc, đồng Canada… với tổng giá trị tương đương hơn 1.989 USD trong khi cơ sở này không được phép mua bán ngoại tệ.

Ngoài ra, lực lượng Công an còn phát hiện 36 sản phẩm màu vàng khắc tên thương hiệu Chanel, 6 sản phẩm kim loại màu vàng khắc tên thương hiệu Gucci với tổng giá trị hàng hóa hơn 197 triệu đồng, toàn bộ những sản phẩm này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ nguồn gốc.

 Một doanh nghiệp tư nhân tại Quảng Ngãi bị phát hiện muangoại tệ trái phép, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ảnh minh họa

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với một tiệm vàng ở Quảng Ngãi vì buôn bán ngoại tệ trái phép, mua bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định xử phạt 2 lỗi vi phạm gồm mua bán ngoại tệ số tiền 30 triệu đồng và buôn bán, trưng bày hàng hóa giả mạo nhãn hiệu 205 triệu đồng.

Ngoài xử phạt hành chính, cơ quan chức năng cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với doanh nghiệp trên là tịch thu toàn bộ ngoại tệ cùng các sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Theo thông tư số 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 26/9/2013, loại hàng hóa này chỉ được phép lưu thông khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn áp dụng công bố gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối; yêu cầu kỹ thuật (khối lượng, hàm lượng vàng), mã ký hiệu…

Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng được thực hiện theo hình thức niêm yết giá hay trên bao bì sản phẩm, nhãn hàng hóa hay tài liệu kèm theo. Về ghi nhãn, nội dung ghi gồm tên hàng hóa, mã ký hiệu của nhà sản xuất, ký hiệu sản phẩm, hàm lượng vàng (tuổi vàng), khối lượng vàng…

Các tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và được đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm; phải niêm yết công khai tại nơi kinh doanh về tiêu chuẩn công bố áp dụng để khách hàng biết. Phải lưu hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do mình kinh doanh, gồm: Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng; tài liệu, bằng chứng về việc ghi nhãn. Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng vàng bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7054:2014 về vàng thương phẩm – Yêu cầu kỹ thuật

TCVN 7054:2014 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố quy định các yêu cầu kỹ thuật và cách ghi nhãn đối với tất cả các loại vàng thương phẩm lưu thông trên thị trường. Theo tiêu chuẩn này, chất lượng của vàng thương phẩm, còn gọi là tuổi vàng, được đánh giá chủ yếu theo hàm lượng của kim loại vàng trong sản phẩm đó. Hàm lượng của vàng được đo bằng các đơn vị sau:

– Kara (xem 3.10) ký hiệu là K. Ví dụ, vàng tinh khiết là vàng 24K; vàng 18K là loại vàng thương phẩm chứa 18 phần kim loại vàng và 6 phần kim loại khác; vàng 12K là sản phẩm chứa 12 phần kim loại vàng và 12 phần kim loại khác…

– Độ tinh khiết (xem 3.11). Ví dụ, vàng 750 là sản phẩm chứa 750 (75%) kim loại vàng và 250 (25%) phần kim loại khác.

Các đơn vị trên được quy đổi như trên Bảng 2. Để thuận tiện cho sử dụng, trong bảng có đưa ra cả đơn vị phần trăm hàm lượng vàng.

Về ghi nhãn, mọi sản phẩm làm từ vàng hoặc hợp kim vàng từ 8K trở lên (hoặc hàm lượng vàng từ 33,3% trở lên) lưu thông trên thị trường, đều phải được đóng ký hiệu độ tinh khiết (đóng nhãn) trực tiếp trên sản phẩm.

Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích