Quảng Ngãi: Tăng tốc công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều
Quảng Ngãi: Tăng tốc công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ra công văn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều trong mùa mưa lũ năm 2021.
Ngày 7/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra công văn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều trong mùa mưa lũ năm 2021.
Theo đó, UBND yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo trước đó nhằm đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều trong mùa mưa lũ năm 2021, nhất là trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị có liên quan để thống nhất ý kiến tham mưu, đề xuất cụ thể, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết hoặc chỉ đạo thực hiện đối với từng nội dung kiến nghị.
Công văn của UBND tỉnh Quảng Ngãi được ban hành dựa trên tình hình dự báo cho thấy mùa mưa bão năm 2021 có khả năng xuất hiện từ 9 – 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó, có 3 – 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, công tác kiểm tra, rà soát để chủ động ứng phó với thiên tai là rất quan trọng, đặc biệt là hệ thống đê điều, công trình thủy lợi.
Dù mùa mưa bão đang đến gần nhưng công tác đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Tiến độ thi công của 8 hồ chứa gồm: Phố Tinh, Hóc Mua, Gia Hội, Hố Vàng, Tuyền Tung (Bình Sơn); Sơn Rái (Sơn Tịnh); Ông Thơ, Hóc Cầy (TX.Đức Phổ) đến nay chỉ đạt 40% khối lượng, trong khi quy định của UBND tỉnh, các công trình phải đạt điểm dừng kỹ thuật trước ngày 31/8.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi công, cũng như vận chuyển nguyên vật liệu”, Giám đốc Ban Quản lý dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Huỳnh Khương lý giải.
Các hồ chứa trên địa bàn huyện Bình Sơn và TX.Đức Phổ, dù đã xây dựng kế hoạch thi công xuyên đêm “3 ca, 4 kíp”, nhưng các nhà thầu cũng không thể triển khai, vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, 8 hồ chứa trên đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nên không đảm bảo an toàn. Vì vậy, vào mùa mưa bão, không chỉ hàng nghìn hộ dân khu vực hạ lưu thấp thỏm âu lo, mà chính quyền các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các phương án ứng phó. Bởi ngoài hư hỏng, các hồ chứa trên cũng không có thiết bị quan trắc đo mưa báo nước, nên công tác dự báo không kịp thời.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực và phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, đến ngày 15/9 tới phải hoàn thành, hoặc đạt điểm dừng kỹ thuật một số hạng mục trọng yếu, nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ 2021.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 788 công trình thủy lợi (gồm 124 hồ chứa, 521 đập dâng, 6 đập ngăn mặn và 137 trạm bơm) và trên 56km kè lát mái; gần 92km đê sông, đê biển và cửa sông… Điều đáng lo ngại là, hiện có 196 công trình thủy lợi xây dựng từ trước năm 1989 nên bị hư hỏng, xuống cấp, nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và phần lớn hệ thống đê, kè chưa được kiên cố…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn cho biết, qua kiểm tra công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa lũ năm 2021, Sở này xác định toàn tỉnh có 18 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng.
Cụ thể, trong số 196 công trình được xây dựng từ năm 1989 trở về trước, đến nay vẫn còn 18 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng, cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa có kinh phí đầu tư.
Thực trạng các công trình hư hỏng, xuống cấp ở các hạng mục, gồm: Đập đất kích thước mặt cắt ngang không bảo đảm do mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cố mái thượng lưu hầu hết bị hư hỏng, nền và thân đập đất bị thấm lớn có nguy cơ gây mất ổn định đập, không có vật thoát nước hạ lưu đập. Tràn xả lũ phần lớn là tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa nên bị xói lở. Một số tràn xả lũ làm bằng bê-tông hoặc đá xây do xây dựng đã lâu, nay bị xói lở và hư hỏng bể tiêu năng. Cống lấy nước bị rò rỉ dọc thân cống, cửa van đóng mở cống bị hư hỏng…
Để bảo đảm an toàn cho công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, nâng cao hiệu quả công trình phục vụ sản xuất và dân sinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, hỗ trợ khoảng 400 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp 18 hồ chứa nước xuống cấp nặng.
Trước mắt, đối với các công trình có khả năng gây mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc và các địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện hư hỏng và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình theo phương châm bốn tại chỗ.
Sở NN&PTNT cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống, cũng như chỉ đạo các đơn vị tăng cường bảo dưỡng thiết bị công trình liên quan đến vận hành cửa van xả lũ, hệ thống đập, hệ thống phát điện dự phòng…
Cùng với hồ chứa, đê điều, Sở NN&PTNT cũng tăng cường kiểm tra, giám sát về quy trình vận hành liên hồ đối với các công trình thủy điện, yêu cầu đơn vị quản lý thủy điện kịp thời thông tin tình hình quan trắc, phương án xả lũ phù hợp để chính quyền và người dân vùng hạ du chủ động phòng tránh ngập lụt. Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo về việc triển khai các phương án trọng tâm công tác phòng, chống thiên tai 2021, với yêu cầu: Chính quyền các địa phương và sở, ngành, đơn vị liên quan tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác để thường xuyên kiểm tra, kịp thời tu bổ, gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều, nhất là các điểm xung yếu, chuẩn bị tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó khi lũ lớn xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”./.
PV (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị