Quảng Ngãi: Sự thật về “hang giấu vàng” trên đảo Lý Sơn
Người dân đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) thường kể cho nhau nghe về hang đá từng là nơi trú ngụ của cướp biển. Trong những câu chuyện truyền miệng còn cho rằng đây là nơi giấu vàng của bọn cướp.
Huyện đảo Lý Sơn bao gồm đảo Lớn và đảo Bé. Đảo Bé là nơi có khung cảnh tuyệt đẹp, với bãi tắm trong vắt, thiên nhiên hoang sơ. Toàn đảo có trên 100 hộ dân sinh sống dựa vào các dịch vụ du lịch.
Từ hàng trăm năm nay, người dân đảo Bé vẫn kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến hang Kẻ Cướp. Một hang đá được hình thành từ nham thạch núi lửa từ hàng triệu năm trước.
Khu vực hang Kẻ Cướp ở mặt sau của đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn. |
Theo anh Võ Minh Quang – Bí thư thôn Bắc An Bình (đảo Bé), hang Kẻ Cướp nằm ở mặt sau của đảo. Lúc đầu hang có tên là Chàng Thiếp. Theo lời kể của các bậc cao niên, hàng trăm năm trước có đôi vợ chồng bị đắm thuyền dạt vào đảo Bé. Họ chọn hang đá làm nơi sinh sống nên nơi này được gọi là hang Chàng Thiếp.
Đảo Lý Sơn nằm trên con đường biển sầm uất nên bọn cướp biển thường xuyên quấy phá. Chúng chọn đảo Bé làm nơi trú ngụ. Bọn cướp thấy hang Chàng Thiếp khá an toàn nên hãm hại đôi vợ chồng rồi chiếm nơi này. Kể từ đó hang Chàng Thiếp được biết đến với tên hang Kẻ Cướp.
Khi còn nhỏ, anh Quang thường vào hang bắt cua, vui chơi. Lúc đó, miệng hang khá rộng, không gian bên trong đủ sức chứa khoảng 30 người. Trải qua thời gian dài, phần đá nham thạch có dấu hiệu lún xuống nên miệng hang hiện nay rất hẹp.
“Hang Kẻ Cướp vẫn còn đến tận bây giờ nhưng rất khó vào. Miệng hang bây giờ chỉ đủ cho một đứa trẻ chui lọt, lại nằm ở vị trí rất khó tiếp cận nên rất ít người biết lối vào”, anh Quang nói.
Khu vực hang Kẻ Cướp có những bãi tắm tuyệt đẹp. |
Câu chuyện lưu truyền hàng trăm năm nay ở đảo Bé có nhắc đến việc cướp biển dùng hang Kẻ Cướp làm nơi giấu vàng. Nhiều người còn cho rằng, khu vực quanh miệng hang có nhiều mảnh sành sứ cổ vỡ nát chính là hũ đựng vàng của cướp biển.
Theo anh Quang, thông tin hang Kẻ Cướp là nơi giấu vàng chỉ là chuyện truyền miệng. Nhiều người vào trong hang tìm kiếm nhưng không ai phát hiện được gì. Đối với những mảnh gốm vỡ, anh Quang cho rằng đây là dấu vết của những con tàu chở đồ gốm đi qua vùng biển Quảng Ngãi và bị đắm.
“Mảnh gốm vỡ thì nhiều bãi biển ở Quảng Ngãi đều có. Còn hang Kẻ Cướp từng là nơi giấu vàng chỉ là chuyện truyền miệng từ đời này sang đời khác mà thôi”, anh Quang chia sẻ.
Theo ông Trương Đình Thuận – Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lý Sơn, người dân vẫn thường kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện ly kỳ về hang Kẻ Cướp. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện truyền miệng, không thể xác thực.
Ngoài hang Kẻ Cướp, tại đảo Bé có một hang đá khác được người dân gọi là hang Trốn Lính. Hang đá này khá nhỏ, lối vào nằm dưới mặt nước biển nên muốn vào phải lặn. Việc lặn vào bên trong rất nguy hiểm nên lâu nay không ai vào hang đá này.
Đảo Bé nhìn từ trên cao (Ảnh: Bùi Thanh Trung). |
Đảo Bé với câu chuyện về hang Kẻ Cướp khá ly kỳ, tuy nhiên chẳng ai có thể biết chính xác đó có phải là nơi từng giấu vàng hay không. Chỉ biết rằng, với những di sản địa chất độc đáo, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, đảo Bé đang thật sự là một “mỏ vàng” thu hút hàng trăm nghìn du khách mỗi năm.
Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Huyện có diện tích khoảng 10,3 km2 với trên 22.000 dân. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, huyện đảo đón khoảng 260 – 280 nghìn lượt khách mỗi năm. |
Nguồn: Báo xây dựng