Quảng Ngãi: Hỗ trợ xây dựng, áp dụng HTQL, công cụ cải tiến NSCL cho doanh nghiệp

Mục đích nhằm đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; chú trọng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tích cực, chủ động tiếp cận, vận dụng thành công thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế – xã hội và thu nhập của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, phấn đấu xây dựng, triển khai thực hiện từ 55 đến 60 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) để chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống; trong đó: có 30 mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; 20 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho người dân.

Thông qua các chương trình, mô hình, nhiệm vụ KH&CN tổ chức đào tạo cho 350 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho nông dân góp phần nâng cao năng lực áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới phù hợp điều kiện thực tế, trình độ phát triển sản xuất của các địa phương trong tỉnh;

Thực hiện hỗ trợ từ 15-20 dự án từ chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ; đào tạo tập huấn áp dụng kỹ thuật công nghệ mới cho công nhân; hỗ trợ 25-30 lượt doanh nghiệp tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm thành tựu về khoa học và công nghệ; Tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển tài sản trí tuệ. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025 có 170 đối tượng sở hữu trí tuệ được hỗ trợ đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ độc quyền.

Tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, hình thành và phát triển 20 doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ 30 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có sản phẩm kinh doanh; thu hút hơn 100 ý tưởng, dự án tham gia Hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các trường đại học, cao đẳng và phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh;

Triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Phấn đấu đến năm 2025, có 100 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến; 50 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng; 20 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 25 sản phẩm hàng hóa được hỗ trợ áp dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và 500 lượt người được tham gia đào tạo, tập huấn chuyên môn.

 Ảnh minh họa.

Về xây dựng đội ngũ trí thức và nguồn nhân lực KH&CN: Phấn đấu từ nay đến năm 2025, phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh đạt trên 42.000 người; số người làm công tác KH&CN đạt 15 người trên 1 vạn dân. Đồng thời, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm cho các tổ chức KH&CN, trường đại học, cao đẳng; các Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu thực nghiệm nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo của đội ngũ trí thức và KHCN của tỉnh.

Hoạt động KH&CN phục vụ phát triển công nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân

Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung chuyển giao, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh; Tập trung nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng công nghệ hiện đại để tiến tới hình thành các ngành công nghiệp mới, công nghiệp có công nghệ cao, như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, các ngành tự động hóa; phát triển công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng thân thiện với môi trường;

Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng dụng KH&CN, làm chủ và đưa công nghệ mới, kỹ thuật số vào sản xuất kinh doanh, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao. 

Cụ thể, Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chương trình KH&CN phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Lập, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị theo hướng hình thành các trung tâm dữ liệu và đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đô thị để hướng tới phục vụ cho nền công nghiệp 4.0 và xây dựng, phát triển đô thị thông minh; Từng bước hoàn thiện hạ tầng thông tin và truyền thông bảo đảm tính đáp ứng, tính phù hợp theo tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn quốc gia. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ngãi,…Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, từng bước tiến tới nền kinh tế số, xã hội số.

Hoạt động KH&CN phục vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng dụng KH&CN phục vụ công tác quản lý, khai thác tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên các vùng, nhất là đảo Lý Sơn, vùng ven biển trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nghiên cứu bảo tồn, phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác du lịch và khẳng định thương hiệu, năng lực cạnh tranh; Đa dạng hóa mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, giải trí. Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở những nơi có điều kiện.

Ứng dụng KH&CN phát triển số lượng, chủng loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm du lịch và sự phát triển bền vững du lịch tỉnh Quảng Ngãi; Phối hợp với các tổ chức khoa học và cơ quan liên quan phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng và triển khai thực hiện 2-3 nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển du lịch.

Hoạt động KH&CN phục vụ phát triển tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, điểm khai thác, chế biến khoáng sản, các làng nghề, lưu vực sông, đô thị và khu vực nông thôn; Đẩy mạnh nghiên cứu, nhân rộng các mô hình xử lý nước thải y tế, nước thải công nghiệp, nước thải chế biến nông, lâm, thủy sản, nước thải sinh hoạt đô thị; xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại; tái sử dụng, tái chế và sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải;

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường để tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính; Nghiên cứu các giải pháp xanh để kết hợp giữa bảo vệ bờ biển với phát triển các khu du lịch ven biển bền vững; Nghiên cứu các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm.

Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

Quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực KH&CN để từng bước đưa KH&CN trở thành động lực chính của sự tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh;

Đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh đồng bộ cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;

Tùy theo tính cấp bách cần thiết và khả năng cân đối ngân sách tỉnh, các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình, dự án để phát triển khoa học và công nghệ gửi các cơ quan chuyên môn thẩm định, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

An Hạ 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích