Quảng Ngãi công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
Quảng Ngãi công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
Ngày 17/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai (bão, mưa, lũ, triều cường và gió mạnh trên biển) năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Từ tháng 9 đến đầu tháng 12/2021, trên địa bàn Quảng Ngãi liên tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt thiên tai: bão, mưa, lũ, triều cường và gió mạnh trên biển gây thiệt hại nặng nề về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, sạt lở đất, hư hỏng nhiều công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người dân.
Điển hình như: đê ngăn mặn đầm Bàu Nú, thôn Châu Me, xã Phổ Châu; đê ngăn mặn sông Thoa, phường Phổ Minh; kè sông Thoa (hạ lưu sông Thoa); tràn xả lũ hồ chứa nước Diên Trường, xã Phổ Khánh thuộc thị xã Đức Phổ; 3 tuyến quốc lộ; 8 tuyến đường tỉnh; 20 cầu, cống trên các tuyến đường; 11 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài bị sạt nghiêm trọng khoảng 8.400m, đe dọa trực tiếp 460 hộ dân; 11 điểm sạt lở núi nguy hiểm tại 5 huyện miền núi và huyện Bình Sơn, đe dọa trực tiếp đến 162 hộ dân.
Hiện các điểm hư hỏng, sạt lở do thiên tai gây ra vẫn chưa được xử lý ổn định, còn có nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, nhà ở và các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân, công trình hạ tầng quan trọng của Nhà nước.
Để triển khai khắc phục hư hỏng, sạt lở, sớm ổn định đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố và các sở ngành liên quan tiếp tục sử dụng nguồn lực của địa phương hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có nhà ở bị thiệt hại; hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp người dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tiếp tục khắc phục các diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, sớm hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất vụ đông xuân năm 2021-2022.
Đối với các điểm sạt lở bờ sông, suối, bờ biển, sạt lở núi và các công trình hạ tầng, tiếp tục duy trì theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, kịp thời di dời, sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại điểm sơ tán tập trung.
Cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng thường trực để cảnh báo hướng dẫn cho người, phương tiện qua lại bảo đảm an toàn; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến sạt lở, hư hỏng công trình, chủ động các biện pháp ứng phó.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý tạm thời để hạn chế tình trạng sạt lở, hư hỏng công trình cho đến khi được đầu tư xây dựng, sữa chữa, khắc phục công trình ổn định, kiên cố. Xây dựng công trình chống sạt lở, sữa chữa, khắc phục công trình bị hư hỏng bảo đảm ổn định lâu dài.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị